Phường Hàng Mã thuộc 10 phường của quận Hoàn Kiếm nằm trong khu phố cổ Hà Nội, có diện tích 0,15 km2. Địa bàn phường giáp ranh với các trung tâm văn hóa, thương mại lớn nên lượng người lưu thông qua lại thường xuyên đông. Vỉa hè nhiều tuyến trên địa bàn phường chật hẹp, tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh, dịch vụ. Nơi đây luôn xảy ra tình trạng các hộ kinh doanh chiếm dụng lòng đường, hè phố kéo theo tình trạng quá tải về hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông cục bộ…Ông Đào Quang Năm, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã cho biết, đặc thù vỉa hè nhỏ, người dân chiếm vỉa hè làm nơi sinh nhai nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, làm xấu mỹ quan đô thị.

“…Từ đầu năm 2023, địa phương đã quyết liệt huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, gắn trách nhiệm cán bộ quản lý theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ kết quả” ... chúng tôi đang tăng cường cả tuyên truyền và xử phạt, sẽ thí điểm phố Hàng Cót là tuyến phố văn minh”- ông Năm cho biết thêm.

Sau khi triển khai chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, lực lượng chức năng đã tháo dỡ 75 băng rôn vi phạm, bóc xóa 850 tờ quảng cáo rao vặt vi phạm trên các tuyến phố, phá dỡ 82 bục bệ và 74 mái che, mái vẩy, xử lý vi phạm vệ sinh môi trường 12 trường hợp, 287 trường hợp bị xử lý vì vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý 246 trường hợp vi phạm trật tự đô thị; lập biên bản xử phạt 12 bãi xe vi phạm.

Ban chỉ đạo 197 phường Hàng Mã đã kiên quyết xử lý nghiêm hàng loạt các sai phạm về trật tự đô thị tại các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Cót, Phùng Hưng, Gầm Cầu…. Đặc biệt là hành vi lấn chiếm vỉa hè; bên cạnh việc lập biên bản, lực lượng chức năng cũng yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không tái phạm.

"Được sự tuyên truyền, nhắc nhở của lãnh đạo phường, Công an phường, chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành, cam kết không tái phạm, không lấn chiểm lòng nề đường, bán hàng đúng nơi quy định để lại lối đi cho người đi bộ"- Chị Nguyễn Thị Thủy một hộ kinh doanh ăn uống trên phố Hàng Cót bày tỏ.

Phường Hàng Mã sẽ xây dựng thí điểm phố Hàng Cót là tuyến phố văn minh, thương mại; giao trực tiếp cho các tổ dân phố và các đoàn thể phối hợp triển khai dự án này. Hệ thống phương tiện giao thông tại đây sẽ được sắp xếp, bố trí lại một cách khoa học, đặc biệt là việc đảm bảo không gian vỉa hè dành cho người đi bộ. Nhiều tuyến phố ở Hàng Mã đã không còn cảnh lộn xộn, chật chội như trước đây. Người dân và du khách đã thoải mái đi lại trên vỉa hè mà không phải vất vả chen chân xuống lòng đường như trước. Nhiều biển hiệu quảng cáo, bậc tam cấp được tháo dỡ, tạo sự thông thoáng, sạch sẽ.

Vỉa hè được “trả lại” cho người đi bộ không chỉ nhờ lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt mà còn dựa vào ý thức tự giác, chấp hành của người dân. Đây được xem là nguyên nhân cốt lõi tạo sự bền vững trong chiến dịch này. Nhiều hộ kinh doanh thực phẩm trên phố Hàng Gai quận Hoàn Kiếm đã buôn bán tại đây hơn 40 năm, sử dụng tầng 1 để kinh doanh nên đã xây bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè. Ngay sau khi được chính quyền phường thông báo, vận động, nhắc nhở, nhiều hộ đã tự đập dỡ phần lấn chiếm.

Lãnh đạo phường Hàng Gai cho biết, biện pháp ưu tiên của phường là vận động các hộ tự nguyện tháo dỡ công trình; ký cam kết không vi phạm như tháo dỡ mái che di động, hộp đèn, biển hiệu nhô ra không gian vỉa hè, thu dọn bàn ghế, vật dụng kinh doanh... Ý thức của người dân đã chuyển biến rõ rệt, hạn chế nhiều những hành vi lấn chiếm vỉa hè; sắp xếp không gian dừng đỗ xe máy, kê lại bàn ghế, dụng cụ kinh doanh, để xe ngay ngắn.

Hà Nội đặt mục tiêu phát hiện sơ hở, thiếu sót để kịp thời khắc phục nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Để tránh tình trạng ‘‘đánh trống bỏ dùi”, các cơ quan chức năng phải thường xuyên duy trì, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công An thành phố Hà Nội khẳng định đợt ra quân lần này được thực hiện nghiêm túc, ra quân có sự điều tra cụ thể. Đảm bảo cho người dân có chỗ kinh doanh nhưng phải thực hiện theo đúng an toàn giao thông, an toàn trật tự xã hội

Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan duy trì chế độ báo cáo kết quả thực hiện theo từng tuần, từng tháng ở mỗi giai đoạn. Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà nội cho rằng việc này phải làm căn cơ, bài bản. "Trước tiên chúng tôi vận động, kinh doanh phải trật tự văn minh, sau đó các cấp chính quyền sẽ truyền truyền, hướng dẫn, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định”- Ông Lê Hồng Sơn khẳng định.

Giai đoạn tiếp theo, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.

Có ý kiến cho rằng, thay vì cấm hẳn, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác có thể cân nhắc việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh, khoán quản cho từng phường, quận. Như vậy sẽ tạo nên một nền nếp cố định, dễ quản lý và ngăn ngừa vi phạm hơn rất nhiều, bởi chính những người được cho thuê vỉa hè sẽ trở thành nhân tố tiên phong, tích cực nhất giữ gìn trật tự.

Trước mắt, người dân Hà Nội đang tiếp tục kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm dấu ấn, công tác giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, an toàn giao thông sẽ đạt được hiệu quả cao.