Hoá đơn điện tử (HĐĐT) là công nghệ mới với nhiều tiện ích vượt trội so với hóa đơn giấy, song để thay đổi một cơ chế đã tồn tại lâu năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Ngay từ năm 1991, Tổng cục Thuế đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý. Đến nay qua 30 năm liên tục đầu tư và phát triển, hệ thống CNTT của ngành thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa được mọi ứng dụng trong tất cả các khâu của quản lý thuế, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, hạch toán nghĩa vụ thuế của cá nhân, doanh nghiệp (DN) trên cả nước với trên 41 triệu mã số thuế và hàng trăm triệu hồ sơ thuế, đến truyền nhận các văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan thuế.

Đặc biệt, với 12 năm phát triển cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Tổng cục Thuế là một trong những cơ quan nhà nước tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân, DN.

Tổng cục Thuế luôn nỗ lực liên tục cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý để mang lại những tiện ích cho người dân, DN, ngay từ năm 2010, Tổng cục Thuế đã đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định bổ sung HĐĐT vào hệ thống hóa đơn chứng từ hạch toán kế toán, tạo cơ sở pháp lý để các DN hiện đại hóa công tác quản trị DN phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Kết quả thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế, nộp thuế bằng phương thức điện tử:

- Đăng ký thuế: Triển khai đăng ký thuế điện tử liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh đối với DN bắt đầu từ năm 2009 và đăng ký thuế điện tử trực tiếp với cơ quan thuế đối với cá nhân và tổ chức khác bắt đầu từ năm 2019, tính đến nay 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh;

- Khai thuế điện tử: Triển khai khai thuế điện tử từ năm 2009, tính đến năm 2021 có trên 849.000 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số trên 849.600 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,9%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm 2021 là trên 16 triệu hồ sơ;

- Về nộp thuế điện tử: Triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc từ năm 2014, tính đến năm 2021 có trên 837.300 DN đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99% số DN đang hoạt động;

- Về hoàn thuế điện tử: Triển khai trên toàn quốc từ năm 2017, tính đến năm 2021 số DN tham gia hoàn thuế điện tử là trên 8.000 trên tổng số 8.200 DN hoàn thuế, đạt tỷ lệ gần 98%.

Từ năm 2015, ngành Thuế triển khai vận hành Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa trong quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm thì hiện nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả.
Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế, Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về HĐĐT và ban hành các quyết định triển khai hệ thống HĐĐT theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định bắt đầu từ tháng 11/2021.

Giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% DN trên toàn quốc áp dụng HĐĐT.

Sau Hội nghị công bố Hệ thống HĐĐT, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hoá đơn điện tử đến toàn bộ cộng đồng người dân, DN, giúp họ hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng HĐĐT; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, DN, hộ, cá nhân kinh doanh về HĐĐT.

Đồng thời, việc triển khai HĐĐT phải bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu phục vụ triển khai mở rộng hệ thống trên cả nước. Việc triển khai hệ thống HĐĐT thành công sẽ tạo nền tảng cơ sở dữ liệu căn cơ và quan trọng để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số, phục vụ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số của ngành Tài chính.