Sau những kết quả đạt được từ Đề án 32, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 112 ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, với những tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tốc độ phát triển kinh tế xã hội đã khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn và số lượng người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội ngày càng gia tăng. Bởi vậy QĐ 112 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng.

“Trong bối cảnh chúng ta vừa thích ứng linh hoạt vừa kích cầu phát triển kinh tế, giải quyết những khó khăn mà vấn đề người dân gặp phải trong cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội thì việc Chính phủ ban hành QĐ 112 là kịp thời và cần thiết. Đây là chương trình sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng bền vững”, ông Trần Cảnh Tùng nhấn mạnh.

So với đề án 32 phát triển nghề công tác xã hội trước đây, QĐ 112 tạo ra một hành lang pháp lý hoàn thiện và đồng bộ hơn. Các chương trình đào tạo cũng theo hướng chuyên sâu, gắn với thực hành. Đặc biệt trong chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 theo QĐ 112 tập trung xây dựng các mô hình cụ thể như mô hình công tác xã hội đối với người nghiện, mô hình công tác xã hội đối với người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người nghèo. Đây là những mô hình cụ thể gắn với việc hỗ trợ cho người dân tại cộng đồng. Qua đó nhằm đẩy mạnh, tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các cấp.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng: Với thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội thì đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng về công tác xã hội (có thể là Nghị định hoặc Luật Công tác xã hội), làm cơ sở định hướng phát triển CTXH trong tương lai.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng trình Chính phủ Nghị định về công tác xã hội và tiến tới sẽ xây dựng một loạt các văn bản pháp luật có liên quan của các ngành khác, tạo cơ sở pháp lý một cách toàn diện, đầy đủ. Quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội; cấp chứng chỉ hành nghề; cấp, thu hồi, điều chỉnh giấy phép hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội”, ông Trần Cảnh Tùng cho biết.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội