Mới chớm đầu mùa mưa bão, nước ta đã hứng chịu 2 cơn bão với cường độ khác nhau. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Từ thực tiễn thiên tai thường để lại hậu quả nặng nề khi người dân chủ quan và thiếu kinh nghiệm phòng ngừa, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ các địa phương triển khai nhiều hoạt động nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa cho cộng đồng, nhất là những nơi hay xảy ra bão, lũ. Tỉnh Lào Cai là một ví dụ. “Chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn về nhận diện nguy cơ và thoát nạn tại những địa bàn hay xảy ra lũ ống, lũ quét”, ông Đỗ Thành Công, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ.

Ngay từ đầu năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai các lớp tập huấn về kỹ năng phòng tránh thiên tai. Bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, địa phương có nhiều loại hình thiên tai, như bão ở khu vực ven biển; ngập úng ở khu vực thành thị; lũ lụt, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Do đó, các buổi truyền thông, tập huấn cho cán bộ, cơ sở cũng rất đa dạng. “Tại Thanh Hóa, kinh nghiệm cho thấy từ 2017 tới đây, những huyện hay bị ngập, lũ chủ yếu ở miền núi như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Hà Trung, Nông Cống; bão mạnh thì ở các huyện ven biển…Tùy từng huyện, như huyện ven biển, chúng tôi tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng về chằng, chống nhà cửa; ở miền núi là việc nhận diện nguy cơ và di dời đến những nơi an toàn”, bà Tiếp nhấn mạnh

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Mai Lê Thuộc, Chủ tịch Hội CTĐ Hà Tĩnh cho hay, địa phương có địa hình đa dạng và hiểm trở với độ dốc trung bình từ Tây sang Đông khoảng 1,2%, lại bị chia cắt bởi các sông, suối của dãy Trường Sơn. Vì thế, vào mùa mưa bão, rủi ro thiên tai thường rất khó lường. “Hội Chữ thập đỏ là thành viên của Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh. Do đó chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với các ban ngành, hệ thống chính trị để thực hiện công tác phòng ngừa. Mình bỏ ra 1 đồng cho công tác ứng phó thì bằng 10 đồng cho việc khắc phục. Nói như vậy để thấy hiệu quả của việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai như thế nào”, ông Thuộc chia sẻ.

Thực tế cho thấy làm tốt công tác phòng ngừa, ứng phó khi thiên tai xảy ra, người dân sẽ không bị bất ngờ. Sự chủ động cùng với kiến thức và kỹ năng phòng ngừa sẽ giúp người dân tránh được những thiệt hại không đáng có. Đây cũng điều TS Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nghiệm ra từ thực tế “Kinh nghiệm cho thấy tiêu 1 đồng để phòng ngừa thì hiệu quả giá trị bằng 15 đồng khi mà thiên tai, thảm họa, dịch bệnh xảy ra”.

Nghe nội dung bài viết dưới đây: