Với chủ đề “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI sẽ đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2017-2022; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, những bài học kinh nghiệm; cũng như xác định mục tiêu, phương hướng công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2022-2027; bầu Ban chấp hành khóa mới, suy tôn Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI.

Trong khuôn khổ đại hội, dự kiến các đại biểu sẽ tham dự Lễ báo công và vào lăng viếng chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gặp mặt 80 đại biểu tham dự đại hội; triển khai các hoạt động hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2022; Triển lãm “Hệ sinh thái nhân đạo”.

Trong nhiệm kỳ 2017-2022, toàn Hội tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo với tổng trị giá hơn 23 nghìn tỷ đồng, thiết thực trợ giúp trung bình hàng năm hơn 18 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổng thương.

Nhiệm kỳ 2022-2027, Đại hội đề ra một số chỉ tiêu cơ bản, như 100% tỉnh, thành Hội triển khai phong trào: “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”; Quản lý và trợ giúp ít nhất 500.000 địa chỉ nhân đạo; Hỗ trợ 1 triệu trẻ em nghèo, khuyết tật trong chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”; hỗ trợ ngư dân làm việc trên 90.600 tàu, thuyền đánh bắt cá, 1.300 hộ ngư dân có “Mái ấm nhân đạo” trong chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”…

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí chiều nay (25/8), bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức này có các định hướng lớn. Đó là hai khâu đột phá, gồm: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo;

Một phong trào lớn - Một cuộc vận động lớn, đó là: Phong trào: “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”. Mục tiêu chính là không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, qua đó góp phần hình thành lối ứng xử nhân văn, nhân ái trong xã hội, là hoạt động cụ thể để tuyên truyền các giá trị nhân đạo và tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục được tổ chức sâu rộng như hoạt động nền tảng, căn cốt của mỗi cấp Hội với sự trợ giúp mạnh mẽ của công nghệ thông tin và vận động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, trường học, khu vực tư nhân, đảm bảo trợ giúp và vận động trợ giúp hầu hết các “địa chỉ nhân đạo” thuộc ngân hàng “địa chỉ nhân đạo” do Hội quản lý và xác định “ngư dân nghèo, khó khăn”, “trẻ em nghèo, khuyết tật” là các “địa chỉ nhân đạo” trong Cuộc vận động này ở những địa bàn liên quan.

Hai chương trình trọng điểm, đó là: Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển; Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố.