Hội thảo do Trường Đại học Thủy Lợi, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật và Công ty Luật TNHH Sen vàng đồng tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên thuộc các lĩnh vực pháp luật, bảo vệ môi trường và quản lý phát triển.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi khẳng định, hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững” là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý thảo luận, trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật vững mạnh. Từ đó, đóng góp vào nâng cao năng lực thể chế của Nhà nước.
"Qua những phiên thảo luận và báo cáo tham luận ngày hôm nay, Hội thảo sẽ mang lại những giá trị thiết thực, đóng góp vào việc cải thiện thể chế và chính trị pháp luật, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của Việt Nam", GS.TS Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh.
Hội thảo tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: Quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; Hoàn thiện pháp luật bảo vệ tài nguyên nước hướng tới phát triển bền vững; Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường hướng tới phát triển bền vững; Hoàn thiện nền tảng pháp lý cho thị trường lao động - an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, thể chế là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển, sự thành bại của một quốc gia nói chung cũng như một hệ thống, tổ chức nói riêng.
Riêng đối với lĩnh vực tài nguyên nước và lĩnh vực thủy lợi, theo Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh, thực tế vận hành đã đặt ra rất nhiều vấn đề đối với công tác quản lý tài nguyên nước cho hiệu quả, cho minh bạch giữa các ngành với nhau.
Ông Nguyễn Hồng Khanh mong đợi, từ kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cũng như những ý kiến, kiến nghị được đưa ra tại hội thảo sẽ góp phần có được một hệ thống thể chế hoàn thiện trong thời gian tới để quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phát triển tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi.
Trình bày tham luận "Luật Tài nguyên nước năm 2023 nhìn từ các yêu cầu phổ quát - Kỳ vọng và những biến số tiềm ẩn cần lưu ý trong thi hành", GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định: “Nước là tài nguyên vô giá”. Nhận thức này ngày nay đã trở thành yếu tố không thể thay đổi trong hoạt động bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào.
Theo Giáo sư, tài nguyên nước có được bảo vệ và khai thác, sử dụng hiệu quả để đáp ứng an sinh xã hội và sản xuất hay không phụ thuộc vào thể chế tài nguyên nước.
"Thể chế tài nguyên nước, trước hết là chính sách, pháp luật, chỉ hiệu quả và phát huy được vai trò của nó khi được xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững", GS.TS Lê Hồng Hạnh nói.
Các tham luận như: "Quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước liên quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông", "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam từ kinh nghiệm một số quốc gia", "Mấy vấn đề pháp lý về đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, trong bối cảnh phát triển bền vững tại Việt Nam”.... đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Hội thảo cũng cam kết tạo ra các giá trị khoa học cần thiết từ việc kết nối giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo và quản lý phát triển có thể giúp xây dựng và hoàn năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, tập trung vào một số vấn đề cốt lõi, nóng trong các lĩnh vực được coi là trụ cột của phát triển bền vững hiện nay, như: Hoàn thiện pháp luật bảo vệ tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm môi trường; hoàn thiện nền tảng pháp lý cho thị trường lao động - an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững.