Ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số là ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động của BHXH Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho người tham gia BHXH, BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến 1 cách tiện lợi, dễ dàng nhanh chóng nhất.

Cụ thể, khi người dân đi khám chữa bệnh BHYT sẽ đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản cá nhân. Cơ sở khám chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR hoặc ghi trực tiếp số Thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID (đối với trường hợp cơ sở không có đầu đọc) để thực hiện thủ tục đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho những người không mang theo Thẻ bảo hiểm y tế giấy.

Và sau 1 thời gian triển khai đã được người dân đánh giá cao về sự tiện lợi và minh bạch của ứng dụng.

"Tôi thấy dịch vụ này rất thuận lợi, cập nhật đầy đủ thông tin danh tính cá nhân. Trong trường hợp không may mất thẻ bảo hiểm cũng không ảnh hưởng gì".

"Thời đại 4.0, chuyển đổi số là tất yếu, tôi thấy rất thuận tiện cho người sử dụng. Thay vì cứ phải cầm cái thẻ BHYT cũ bằng giấy, dễ dẫn đến tình trạng làm mất hoặc là hỏng thì bây giờ tôi có thể sử dụng điện thoại thông minh, bất cứ lúc nào, rất thuận tiện”.

"Vừa rồi, 2,3 trận lụt trôi hết giấy tờ, đồ đạc, bị ngâm nước hư hết. Cho nên, được sự hướng dẫn của cán bộ, người dân như chúng tôi đã cài đặt ứng dụng, không mất thời gian đi làm lại thẻ"...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ứng dụng VssID, còn gặp nhiều khó khăn do ứng dụng chỉ cài đặt được trên smartphone và phải kết nối mạng Internet. Vì vậy, phát sinh thêm chi phí lắp đặt wifi miễn phí phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần phải nhớ mã số thẻ BHYT và mật khẩu để đăng nhập. Do vậy, hiện tại đa phần các đối tượng sử dụng là cán bộ, viên chức, người dân khu vực thành thị.

Chị Huỳnh Trần Thu Huyền, ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế qua ứng dụng VssID khi khám bệnh rất thuận lợi, nhanh gọn, giảm bớt các khâu thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên theo chị Huyền, việc này chỉ phù hợp với giới trẻ, còn đối với người lớn tuổi ít sử dụng điện thoại Smatphone hoặc không thành thạo sử dụng điện thoại thì cũng rất bất cập.

VssID là ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng và phải được kết nối mạng internet để sử dụng. Như vậy, người dân không có các thiết bị trên và không có internet (kết nối thông qua wi-fi hoặc 3G, 4G…) thì không thể sử dụng ứng dụng. Mặt khác do rất nhiều người dân không tự cài đặt được VssID, nên BHXH tỉnh, BHXH các huyện phải cử cán bộ đến trực tiếp cài đặt cho người dân, mất rất nhiều thời gian, dẫn đến không thể tăng nhanh số lượng người cài đặt.

Ông Nguyễn Xuân Thảnh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Trước những khó khăn về giao thông cách trở, trình độ tiếp cận công nghệ của một số người dân còn hạn chế, cán bộ làm công tác tuyên truyền đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung đến các đối tượng là người dân có trình độ nhận biết sẽ hướng dẫn cài trước, sau đó từ các đối tượng này sẽ tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình.

"BHXH tỉnh tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu được tiện ích, lợi ích của việc cài đặt VssID. Chúng tôi cũng thành lập các tổ cài đặt, trên cơ sở đó, giao chỉ tiêu cho các tổ, bám sát đơn vị sử dụng lao động, các nhóm người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hướng dẫn cài đặt", ông Nguyễn Xuân Thảnh nhấn mạnh.

Trước thực tế này, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch tiếp tục tuyên truyền, cài đặt ứng dụng VssID đến đông đảo người dân với mục tiêu tặng độ bao phủ của ứng dụng. Đặc biệt, hướng tới 100% người dùng smartphone trên địa bàn tỉnh, thành phố đều cài đặt và sử dụng tốt các tính năng mà ứng dụng VssID mang lại.