Thảo luận tại nghị trường về Luật Thi đua khen thưởng ngày 27/5, vấn đề khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến (Điều 96) nhận được khá nhiều ý kiến. Đa số các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí khi dự thảo Luật Thi đua khen thưởng có nhiều điểm mới, trong đó bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Bởi đây là sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước, của dân tộc đối với những đóng góp to lớn của lực lượng thanh xung phong trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, có nghĩa giáo dục sâu sắc.

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, có thời gian tại ngũ liên tục từ 02 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng. Còn đối với những Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng Huy chương vẻ vang này.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, quy định này rất phù hợp. Tuy nhiên, về mặt thời gian thì không nên quy định cứng nhắc vì lực lượng thanh niên xung phong ở mỗi vùng có những đặc điểm khác nhau. “Những đơn vị thực hiện theo nhiệm kỳ của đơn vị thanh niên xung phong tập trung ở miền Bắc thường là 3 năm, có khi 4, 5 năm hoặc nhiều hơn nữa. Nhưng thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam từ Quảng Trị trở vào Cà Mau thường số thời gian ít hơn nên có thể sẽ bị lọt. Đối với thanh niên xung phong cơ sở miền Nam, quy định về thời gian 2 năm thực tế rất khó thực hiện. Ngoài ra, các trường hợp là thương binh nặng cũng không nên quy định điều kiện về thời gian tại ngũ. Còn với thanh niên xung phong đã hy sinh được công nhận là liệt sĩ thì không quy định thời gian vì đã là liệt sĩ thì “không tính tháng, tính ngày nữa” – Đại biểu Vũ Trọng Kim đề xuất.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2, khi tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Trọng Kim đã bày tỏ: “Đến giờ phút này, các cựu thanh niên xung phong rất phấn khởi và bản thân tôi rất tâm đắc khi dự thảo quy định bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Trọng Kim cũng nhấn mạnh: “Khen thưởng Thanh niên xung phong không nên kéo thêm thời gian nữa vì hết thời gian chờ đợi rồi! Thanh niên xung phong thời chống Pháp đã trên 90 tuổi; chống Mỹ cũng 70 và trên 70 tuổi; biên giới Tây Nam và phía Bắc thì 65 và trên 65 tuổi rồi. Đây là lực lượng có 1 không 2 trên thế giới. Thế giới không có tổ chức lực lượng thanh niên xung phong, chỉ Việt Nam có và là sáng kiến độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề mang tính lịch sử, không nên kéo nữa vì đến đây đã quá muộn rồi”

Chung quan điểm, phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh ( đoàn Bình Định) bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với việc xét tặng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”. Tuy nhiên dự thảo luật cần xem xét quy định về thời gian 2 năm liên tục trong điều kiện xét tặng. Bởi nếu như giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật thì sẽ có một số trường hợp không tương thích, một số trường hợp cống hiến, đã có thành tích xứng đáng được tôn vinh, được nêu gương thanh niên xung phong nhưng không đủ điều kiện thời gian để xét khen thưởng ngay từ đầu”

Phát biểu hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình cao về việc bổ sung, tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn khen thưởng thanh niên xung phong vẻ vang với người có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên là phù hợp với đề xuất của Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu, việc xác minh hồ sơ gốc gặp nhiều khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định hồ sơ, thủ tục cho phù hợp, tạo điều kiện cho các Thanh niên xung phong được nhận danh hiệu cao quý này.

Lưu tâm đến những đối tượng yếu thế, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên-Huế) đề nghị bổ sung quy định ưu tiên khen thưởng với đối tượng yếu thế. Đặc biệt, về hình thức khen thưởng “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”, thể hiện sự ghi nhận sâu sắc đối với lực lượng thanh niên xung phong. Tuy nhiên, về tiêu chí thời gian tại ngũ cũng như về đối tượng, thủ tục về xét khen thưởng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc giảm thời gian, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng đối tượng thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng.