Bất chấp nghịch cảnh, chị Hà Bích Hảo, quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã vượt qua cú sốc cuộc đời và làm được những điều tưởng chừng không thể nhờ tình yêu vô bờ từ người thân.

Nỗi đau chồng chất

Chị Hà Bích Hảo sinh ra ở xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Hơn một tháng sau khi chào đời, phát hiện con có vết nám màu đỏ trên gò má phải, bố mẹ đưa chị đi khám và điều trị. “Năm 1994, ban đầu vợ chồng tôi đưa cháu lên Bệnh viện tỉnh Nam Định khám. Bệnh viện tỉnh giới thiệu lên Bệnh viện Bạch Mai. Ở đó họ lại chuyển con tôi sang Bệnh viện K. Nhưng khi tôi đưa con sang Bệnh viện K, họ nói thiết bị y tế bị hỏng nên họ chuyển con tôi sang Bệnh viện Thanh Nhàn. Tại đây, họ bảo con tôi bị u máu và điều trị bằng tia laser. Tôi không biết vì lý do gì mà khi cháu ra viện, về nhà được một thời gian thì nửa khuôn mặt bên phải của cháu như bị bỏng. Cháu bỏ bú và yếu ớt, ủ rũ như tàu lá héo”, bà Phạm Thị Ngọc - mẹ chị Hà Bích Hảo nhớ lại.

Nỗi đau bắt đầu từ đó. “Vợ chồng tôi tìm đủ cách để cho con bú nhưng cháu không ăn nên yếu dần, sống thoi thóp. May nhờ có bà nội thử quệt cho cháu một tí nước cơm nên môi, thấy miệng cháu tóp tép nên sau đó bón nước cơm để cháu hồi lại dần”, bà Ngọc kể.

Nhưng cứ mỗi ngày qua đi, nửa khuôn mặt bên phải của Bích Hảo lại sưng to hơn và trớt da. “Vợ chồng tôi đưa cháu đi viện nhiều lần, các bác sỹ đều lắc đầu và cho về. Ôm con về, người xung quanh nhìn vào, họ bảo tôi mang con đến cổng chùa mà bỏ hoặc mang đến trại trẻ mồ côi nhờ người ta nuôi cho. Tôi đau lắm!”, bà Ngọc chia sẻ.

Chưa dừng lại ở đó, vợ chồng bà Ngọc còn thường xuyên phải nuốt nước mắt vào trong bởi sự uất nghẹn. “Hàng xóm họ không biết con tôi bị bỏng do một tai nạn của ngành Y. Họ cứ nói chắc do vợ chồng tôi ăn độc ở ác nên mới sinh con ra như vậy”, bà Ngọc rơm rớm nước mắt kể.

Bản thân chị Hảo cũng chịu nhiều đau đớn. “Từ khi em còn nhỏ, nửa khuôn mặt của em bị lệch. Nó kéo bên mắt phải sệ xuống và làm mất thị lực. Em bị mất một bên tai và thính lực chỉ còn 7/10. Một bên họng bị lệch, ảnh hưởng thanh quản. Khi em 20 tuổi thì rãnh não của khép lại hoàn toàn”, chị Bích Hảo chia sẻ.

Tuy nhiên, những đớn đau về thể xác chưa là gì so với nỗi đau tinh thần mà chị Bích Hảo phải hứng chịu. Ngay từ ngày đầu khi đi học, chị đã phải nhận những ánh nhìn kỳ thị, dè bỉu của người xung quanh. “Khuôn mặt cháu như vậy nên nhà trường và phụ huynh không nhận cháu vào lớp. Cháu phải kê cái ghế ở bên ngoài lớp, học theo kiểu dự thính. Nhưng thấy cháu học tốt, lên lớp 2, cô giáo mới bảo tôi làm cái đơn để cho cháu vào học chính thức”, bà Phạm Thị Ngọc - mẹ chị Bích Hảo kể.

“Em đi học thường xuyên bị các bạn xa lánh. Nhiều bạn còn cầm dép, rẻ lau bảng ném vào mặt em, rủa em là con ma, đồ quỷ và đuổi em ra khỏi lớp”, chị Hảo nhớ lại.

Cứ như vậy, suốt thời niên thiếu đến thời sinh viên chị Hảo phải ngậm đắng nuốt cay trước sự dè bỉu của cộng đồng. Đã có lúc chị thấy bế tắc, tưởng chừng ngục ngã. “Nhiều lần em muốn tự tử vì thấy mình bị đối xử quá tệ. Có lần em đã ra cầu Vĩnh Tuy với ý định quyên sinh. Em nhắn tin cho chị gái là ngày mai cả nhà lên Hà Nội vớt xác em về”, chị Hảo kể.

Vượt lên chính mình

Nhưng rồi chị Bích Hảo đã vượt qua giây phút yếu đuối nhất nhờ tình yêu vô bờ từ những người thân của mình. “Giây phút đấy em thấy cả thế giới xung quanh em sụp đổ nhưng khi em bước đến nhịp cuối cùng lan can cầu, em chợt nghĩ đến hình ảnh của bà nội, mẹ và bố khiến em dừng lại. Em nhớ những lần bố đến từng nhà, gặp từng bạn và bố mẹ các bạn ấy nói rằng đừng bắt nạt con gái của bố, vì cứ mỗi lần em bị các bạn giễu cợt và xô ngã, em đều về mách bố. Còn với mẹ, mẹ thường hay ôm em vào lòng và nói nếu có thể thay con gánh chịu thì mẹ có chết cũng cam lòng. Em tự hỏi nếu em chết thì bố, mẹ sẽ như thế nào?! Họ sẽ phải chịu thêm đớn đau bởi những lời mỉa mai của xã hội và hàng xóm. Đó là thứ khiến em nghĩ mình nợ bố, nợ mẹ rất nhiều và giúp em quyết định sẽ sống tiếp để làm những điều mà bố, mẹ đã hy sinh cho em”, chị Bích Hảo kể.

Gia đình không chỉ là điểm tựa vững chắc giúp chị Hảo vượt qua giây phút yếu đuối nhất mà còn là “bệ phóng” để chị chạm tới chân trời tri thức. Với tình thương và sự hỗ trợ từ người thân, học xong Tiểu học, Trung học cơ sở, chị tự ôn tập rồi thi đỗ và học tiếp lên Trung học phổ thông, trở thành một trong năm học sinh đứng đầu lớp, đi thi học sinh giỏi môn Lịch sử của tỉnh Nam Định.

Như một cách để khẳng định mình, chị Hảo học tiếp Đại học sư phạm, chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Trong thời gian này, chị tích cực tham gia các câu lạc bộ, các chiến dịch vì cộng đồng và được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hội Sinh viên khuyết tật thành phố Hà Nội.

Chưa dừng lại ở đó, chị còn học cao học. Tháng 7/2022, chị bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ chuyên ngành tâm lý.

Gieo “mầm” yêu thương

Để có thể bước tiếp trên đường đời và chinh phục con đường tri thức mà không làm bố, mẹ thêm một lần đau, chị Hảo đã gạt nước mắt để mưu sinh. “Tốt nghiệp đại học, em đi xin việc nhưng không ai nhận. “Em xin làm tình nguyện cho viên tại một trung tâm Giáo dục đặc biệt thì bị người quản lý từ chối. Họ bảo em đến sẽ lây bệnh cho các em bé. Không có thu nhập, em phải ở nhờ nhà người bạn ở quận Long Biên và hàng ngày đạp xe vào nội thành làm giúp việc theo giờ và đi rửa bát thuê cho một quán phở”, chị Hảo cho biết.

Thế rồi, cuộc đời cũng mỉm cười và chào đón người phụ nữ nhỏ nhắn Hà Bích Hảo. “Trong quá trình đi rửa bát thuê và giúp việc, em được một số người biết đến năng lực và mời về làm việc đúng với chuyên ngành đã học.

Một trang mới trong cuộc sống của chị cũng mở ra từ đây. “Em làm việc cho một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận. Trong môi trường giàu tính nhân văn ấy, em nghĩ mình phải làm gì đó để giúp đỡ người yếu thế, nhất là các em nhỏ có cùng cảnh ngộ như em lúc bé thơ”, chị Hảo chia sẻ.

Đúng thời điểm đó, chị Hà Thị Quỳnh Anh - chị ruột của chị Hảo gọi điện chia sẻ ở quê có 5 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu không được trợ giúp, các em có nguy cơ thất học. “Em nghĩ đến việc thành lập một quỹ nhỏ để hỗ trợ 5 em nhỏ này và lấy tên là Qũy Mầm và những người bạn. Nhưng ban đầu, kêu gọi không có ai hỗ trợ nên em đã trích tiền lương để gây quỹ giúp các em. Chị gái cũng ủng hộ và đồng hành với em gây quỹ”, chị Hảo tâm sự.

Từ đó đến nay, "Qũy Mầm và những người bạn" nâng bước cho một số em nhỏ đến trường. Cháu Ngọc Anh, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một trong số đó. Từ khi sinh ra đến nay, cháu chưa biết cha, mẹ mình là ai. Cháu bị bỏ rơi, rồi được các nhà sư chùa An Lạc, xã Yên Khánh cưu mang. “Nhà chùa đang nuôi dưỡng 5 trẻ môi và có hoàn cảnh khó khăn. Riêng cháu Ngọc Anh được "Quỹ Mầm và những người bạn" giúp đỡ về tài chính, mỗi tháng 300.000 đồng. Tiền này, chúng tôi thường dùng để mua đồ dùng học tập cho cháu”, trụ trì chùa An Lạc - Sư thầy Thích Đàm Thúy cho biết.

Năm học vừa qua, bé Khánh Ngân, học sinh lớp 2A, Trường tiểu học Yên Khánh cũng nhận được 300 nghìn đồng/tháng. Số tiền không lớn nhưng đó yếu tố giúp bé được đến trường mỗi ngày. “Bố của Khánh Ngân - trụ cột gia đình mất khi cháu mới được 3 tuổi. Lúc trước, em đi làm công ăn lương, được 4 triệu/tháng nhưng từ khi chồng mất, bố chồng ốm, mẹ chồng bị suy thận, chạy thận 3 lần/ tháng, em phải nghỉ ở nhà chăm ông bà. Em còn 1 cháu nữa, là chị của Khánh Ngân, bị câm điếc từ bé. Giờ thất nghiệp, không có thu nhập nên ai cho đồng nào thì quý đồng đấy, dành dụm để mua sữa, sách vở cho cháu”, chị Trần Thị Quỳnh - mẹ bé Khánh Ngân chia sẻ.

Ngay tại Trường tiểu học xã Yên Khánh, không chỉ có Khánh Ngân, Ngọc Anh mà còn một số trường hợp khác nữa, như cháu Nguyễn Thị Linh, học sinh lớp 1B, hay cháu Hà Cao Thủy, do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên cũng đang nhận được sự hỗ trợ về tài chính 300 nghìn/tháng từ "Quỹ Mầm và những người bạn". Số tiền không lớn nhưng đó là yếu tố nâng bước em đến trường mỗi ngày.

Gieo “mầm” yêu thương, chị Hảo đã gặt trái ngọt. Khi biết về nỗi đau và những việc làm giàu tình nhân ái của chị Hảo, Giáo sư, bác sỹ Trần Thiết Sơn và các y, bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí để thực hiện các ca phẫu thuật tạo hình khuôn mặt cho chị. “Nghe câu chuyện của em trên mục Cafe sáng của VTV3, bác sỹ Sơn gọi điện, mời em đến gặp. Lúc đấy, em đến gặp với suy nghĩ để có thêm một người hiểu mình. Nhưng sau khi nghe bác nói chuyện, em quyết định phẫu thuật”, chị Bích Hảo chia sẻ.

“Từ 2020 đến giờ, em trải qua 3 cuộc đại phẫu. Lần thứ nhất, tiến hành lấy mảng sẹo cũ trên mặt chuyển xuống đùi và lấy da đùi đưa lên mặt; lần thứ 2, kéo da để phục hồi tóc; lần thứ 3, mổ chuyển vạt tóc về và làm phần mi mắt”, chị Hảo cho biết.

Sau những tổn thương và đau đớn, giờ đây, chị Hảo đã có được những điều tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích: khuôn mặt được cải thiện, con đường công danh, sự nghiệp cũng có sự khởi đầu rất tốt. “Em thấy mình là người tham vọng, mọi thứ với em mới chỉ là bắt đầu. Có 3 việc em muốn làm trong đời mình. Việc đầu tiên là làm thế nào để thật nhiều trẻ khuyết tật được phẫu thuật; Việc thứ hai là giúp trẻ mồ côi được đi học; Việc thứ ba là giúp yếu thế có việc làm, tự nuôi chính mình”, chị Hảo bày tỏ

Chị Bích Hảo cũng hy vọng 5 năm sau bản thân sẽ trưởng thành hơn và có thêm nhiều trái ngọt từ những hạt “mầm yêu thương” do chính chị gieo trồng. “Em tin rằng những đứa trẻ mà Quỹ Mầm đang hỗ trợ sẽ trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Khi nên người, các em sẽ lại tiếp tục gieo yêu thương”, chị Hảo chia sẻ.

Vượt qua định kiến, sự dè bỉu của những người xung quanh bởi sự khác biệt về ngoại hình, chị Hà Bích Hảo đã thực hiện ước mơ tưởng như không có thật. Chính vì thế, con đường gập ngềnh đã qua và thành quả chị có được đã trở thành nguồn năng lượng tích cực, truyền cảm hứng sống lạc quan, yêu thương cho chính những người bạn của chị và cộng đồng. “Trong cuộc sống có những lúc em yếu đuối, tuyệt vọng nhưng khi thấy những gì Bích Hảo đã trải qua thì em thấy mình vẫn là người may mắn. Vì thế, bạn ấy như tấm gương, là động lực để em vượt qua chính mình những lúc khó khăn”, chị Vương Nguyệt Anh - một người bạn của chị Hảo chia sẻ.

Chị Hảo chia sẻ, từ khi gieo “mầm” yêu thương và được thương yêu trở lại để tìm lại khuôn mặt, chị còn nhận ra rằng yêu thương có sức mạnh rất đặc biệt: “Em rất tâm đắc một câu nói vì thấy nó đúng với với mình: Khi mình tha thứ cho một ai đó không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà vì nó khiến cho lòng mình nhẹ nhàng hơn”.