Câu nói “Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do” tưởng như rất quen thuộc, nhưng lại rất đúng với cuộc đời của Khương Bích Hằng, một người khiếm thị. Dù mắt Hằng chỉ nhìn thấy hai màu đen - trắng, nhưng cuộc sống của Hằng lại ngập tràn màu sắc hạnh phúc khi thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng anh cho những trẻ em khiếm thị đồng cảnh ngộ.

“Nhờ có sự hỗ trợ của bạn bè, gia đình, thầy cô, mình cũng vượt qua được, như người ta nói là “Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do”. Đôi lúc mình cũng nghĩ do khuyết tật nên mình cần cố gắng hơn nhiều lần để chạm đến ước mơ” - Bích Hằng chia sẻ.

Hiện Hằng là Điều phối viên của dự án dạy tiếng Anh cho người khiếm thị của tổ chức Việt Nam and Friends, đồng thời là giáo viên dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ khiếm thị.

Mỗi tuần 2 buổi vào thứ 2 và thứ 4, Lê Minh Châu, học sinh lớp 8A3, trường Nguyễn Đình Chiểu lại cùng các bạn khiếm thị tới học lớp tiếng Anh của cô Hằng ở phố Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dù không nhìn thấy gì, nhưng với sự nhiệt tình, tận tâm của cô Hằng, Minh Châu đã trở thành một trong những học sinh ưu tú ở bộ môn tiếng Anh.

“Cô Hằng dạy chúng em nhiều thứ lắm. Em được học từ vựng, ngữ pháp, học đọc, nói, viết tiếng anh” - Châu vui vẻ cho biết.

Cô giáo Bích Hằng là người khiếm thị bẩm sinh. Từ khi sinh ra, Hằng được chẩn đoán không có dây thần kinh thị giác. Vì không nhìn thấy nên Hằng từng trải qua những năm tháng khó khăn khi tiếp cận với tiếng Anh. Hằng không muốn điều ấy lặp lại với những em nhỏ khiếm thị. Thế nên Hằng luôn gắng hết sức tìm kiếm tài liệu, thiết kế bài học phù hợp với bộ chữ nổi để truyền đạt những kiến thức tốt nhất cho các học trò.

Hằng chia sẻ: “Ngày trước học tiếng Anh khó khăn hơn giờ rất nhiều, vì không có giáo trình chữ nổi. Giờ các bạn học sinh khiếm thị có cơ hội nhiều, tiếp cận với máy tính, điện thoại thông minh từ sớm, việc học thuận lợi hơn”.

Không chỉ truyền tới niềm đam mê học tiếng Anh cho các bạn nhỏ khiếm thị, hơn thế, Khương Bích Hằng còn mang đến một tuổi thơ hạnh phúc, ngập tràn niềm vui cho các em. Tấm lòng ấm áp của cô giáo khiếm thị đã chạm tới trái tim của những đứa trẻ thơ ngây. Minh Châu kể: “Có một hôm cô bị ốm, cô nghỉ dạy, lúc đó bọn em cảm thấy rất buồn và lo lắng vì không thấy cô đến lớp. Chúng em rất nhớ cô và mong cô sớm quay lại lớp”.

Hằng luôn tự hào về các học trò của mình. Dù không nhìn thấy gì, nhưng khả năng nghe của các bạn nhỏ khiếm thị tương đối tốt nên phát âm khá chuẩn. Không phụ công sức của Hằng, nhiều học trò đã có kết quả học tập rất tốt.

Đồng hành cùng Khương Bích Hằng trong việc dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thị là rất nhiều tình nguyện viên, trong đó có Phạm Thị Thanh Bình, sinh viên trường Học viện ngoại giao. Bình muốn lan tỏa tinh thần, nghị lực sống của cô giáo Bích Hằng tới hàng trăm trẻ em khiếm thị đang khao khát học tiếng Anh mỗi ngày.

“Mình rất may mắn khi được làm việc với chị Hằng, một người nỗ lực vượt qua khó khăn suốt một chặng đường thời gian rất dài” – Thanh Bình cho biết.

Phạm Nhất, một bạn trẻ mới từ Mỹ du học trở về cũng tìm đến lớp học tiếng Anh của cô giáo Bích Hằng. Dù được rất nhiều nơi tuyển dụng với mức lương cao, nhưng Nhất vẫn quyết tâm dành thời gian để đồng hành cùng cô gái khiếm thị trong hoạt động ý nghĩa này.

Nhất chia sẻ: “Bằng cách tổ chức lớp học, đảm bảo các bạn có đầu ra nhất định khi học tiếng Anh, có môi trường thích ứng hòa đồng khi tiếp xúc với người xung quanh, chị Hằng đã góp phần phá đi những rào cảm giữa người khiếm thị và người mắt sáng”.

Từ một cô gái khiếm thị nhút nhát, Khương Bích Hằng đã trở thành một cô giáo tiếng Anh tràn đầy nhiệt huyết, mạnh mẽ và tự tin. Cô giáo khiếm thị không chỉ thực hiện được ước mơ của mình mà còn trao đi kiến thức, niềm tin và hy vọng tới nhiều người có hoàn cảnh như mình./.