Khởi nghiệp, một phong trào đã dần trở nên quen thuộc trong giới trẻ. Ở đó thay vì một công việc ổn định, theo sự sắp đặt, người trẻ tự tìm tòi, lựa chọn con đường riêng từ ý tưởng sáng tạo của bản thân, tự triển khai ý tưởng ra thực tiễn với cả thành công, thất bại, những thay đổi để thích ứng và trụ vững.
Những chia sẻ từ anh Trần Việt Anh, Giám đốc điều hành của Spiderum, một doanh nghiệp trẻ hoạt động trên nhiều lĩnh vực với phương châm đem đến “Góc nhìn đa chiều của thế hệ trẻ Việt Nam” sẽ thêm những kinh nghiệm cho cộng đồng khởi nghiệp trẻ.
Khởi nghiệp từ nhu cầu của người trẻ
Phóng viên: Xin chào anh Việt Anh! Được biết Spiderum vừa xuất bản một cuốn sách mới cho người trẻ. Đây là một trong những mảng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp trẻ Spiderum?
Anh Trần Việt Anh: Vâng, chào chị Ý Dịu! Thời điểm ngồi đây cùng chị, tôi và các thành viên sáng lập Spiderum cũng đã đi được hành trình suốt 7,8 năm, cũng đủ dài với nhiều cung bậc, với cả thất bại và có không ít thành công, hi vọng cũng có thể giúp cho các bạn trẻ có một góc nhìn thực tế về câu chuyện khởi nghiệp.
Trở lại với câu hỏi chị vừa đặt ra thì đúng là gần đây, chúng tôi ra mắt cuốn sách mới: “Bước ra thế giới: Đường tới nước Mỹ”. Cuốn sách này được cho là toàn diện nhất về lĩnh vực du học Mỹ do những tác giả rất có uy tín, tâm huyết như TS Phạm Đức Hùng hiện đang ở Mỹ đồng thời tiếp nối cho cuốn “Bước ra thế giới” trước kia chúng tôi đã làm với mong muốn giúp các bạn trẻ có thể tiếp cận câu chuyện du học và tận dụng tối đa những lợi ích việc du học có thể đem lại.
Cẩm nang du học nói riêng và hệ thống sách hướng nghiệp nói chung thuộc hướng đi của chúng tôi từ ngày đầu. Ví dụ như bộ sách “Người trong muôn nghề” dành cho các bạn trẻ quan tâm đến các lĩnh vực công việc trong xã hội hiện đại vì có rất nhiều công việc cuốn sách đề cập mà bố mẹ các bạn cũng khó hình dung như Streamer, Youtuber...
Hiện tại, chúng tôi thêm một mảng hoạt động nữa. Đó là mảng kinh doanh liên quan đến cung cấp dịch vụ truyền thông dành cho các doanh nghiệp, bởi vì hệ thống kênh website Youtube, Facebook với lượng người theo dõi rất lớn có thể tiếp cận được hàng triệu người mỗi tháng.
Phóng viên: Có lẽ khi bắt đầu khởi nghiệp doanh nghiệp, anh Việt Anh cũng chưa thể hình dung được hết việc Spiderum hôm nay có thể hoạt động trên nhiều lĩnh vực thế?
Anh Trần Việt Anh: Vâng đúng, khi đó mình rất trẻ, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, chỉ nghĩ rằng đây là một thứ gì đấy có lẽ là cũng hay, mình thích thôi còn chưa có kế hoạch gì cụ thể và không định hình rõ ràng về tương lai. Thời điểm đó tôi chỉ suy nghĩ rằng là mình sẽ phải làm một cái gì đấy có ích cho xã hội, giúp cho người trẻ trở nên tốt hơn trong phát triển bản thân. Và khó khăn thực sự rất nhiều và cũng buộc phải thay đổi liên tục.
Khởi nghiệp không đơn thuần là có một hướng đi để anh bám thẳng vào đó sẽ đến đích. Nếu dễ thế thì ai cũng có thể khởi nghiệp thành công. Chúng tôi cũng có những giai đoạn cực kỳ khó khăn và không thể tiếp tục được. Tất cả thành viên gần như phải đi ra làm các công việc khác toàn thời gian và làm Spiderum kiểu bán thời gian, bám theo những sản phẩm tâm huyết. May mắn khi quãng thời gian đấy lại là lúc doanh nghiệp của chúng tôi phát triển rất mạnh các kênh online và có độ phủ tốt hơn rất nhiều. Lúc đó, anh em cũng có động lực hơn cộng với có kinh nghiệm hơn chút nữa từ góc nhìn của người ngoài, không bị quá đắm chìm trong công việc.
Thực sự, chúng tôi có quãng nghỉ để có thể nhìn lại tất cả và đồng thời mình cũng có những trải nghiệm nhất định trong các môi trường khác nhau để hiểu cách doanh nghiệp vận hành hiệu quả là như thế nào. Và khi quay trở lại, mọi thứ cũng dần dần có định hướng hơn.
Khởi nghiệp- hấp dẫn nhưng vì sao nhiều thách thức với người trẻ?
Phóng viên: Bản thân anh cũng như các thành viên ban đầu có gặp phải sự cản trở từ phía gia đình, từ người thân vì trong dự kiến của bố mẹ thì bao giờ cũng muốn con bước đi một bước đi an toàn hơn, nhất là khi được học hành, đào tạo bài bản. Như anh còn là du học sinh trở về?
Anh Trần Việt Anh: Thực ra lúc đầu không phải mẹ tôi ủng hộ 100%, không thích hoàn toàn đâu. Con đã học hành thế rồi, bạn bè nó cũng đều đi làm trong các doanh nghiệp lớn hoặc là các doanh nghiệp nước ngoài, rồi cứ dần dần dần dần phát triển lên vị trí cao hơn, quản lý rồi hơn nữa. Đây tự dưng con mình quyết định đi theo con đường khác nên bảo thích thì cũng ngay lập tức đâu.
Dù không thích nhưng bố mẹ vẫn vẫn ủng hộ và vẫn cho phép được làm những thứ mình thích. Thậm chí là giai đoạn công ty hết tiền thuê mặt bằng, bố mẹ tôi còn cho mượn hai căn phòng trong nhà để có thể chuyển đồ đạc văn phòng cùng anh em lại quay trở về nhà để làm việc. Tất cả các bố mẹ đều vẫn rất tin tưởng và vẫn rất ủng hộ con cái.
Phóng viên: Nhìn lại thực tế, các bạn trẻ khởi nghiệp trong nhiều năm qua hầu hết đều có sức trẻ, có sự sáng tạo, đam mê và nhiều khi có cả những ý tưởng đột phá. Tuy nhiên, như chúng ta đều thấy và bản thân anh Việt Anh trải qua rồi đều thấy rằng họ luôn luôn thiếu: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và có lẽ là thiếu cả những bài học kinh nghiệm. Bởi vì khi làm doanh nghiệp không chỉ đơn giản chỉ làm chuyên môn đấy. Nó cần một sự xâu chuỗi của tất cả nhiều yếu tố?
Anh Trần Việt Anh: Vâng đúng! Tôi nghĩ câu chuyện khởi nghiệp là chuyện rất dài, rất vất vả không phải là lựa chọn hào nhoáng dù nghe những chức danh nghề rất khủng khiếp. Bạn có thể được gọi là CEO nhưng hoàn toàn không phải bắt đầu quy mô 30, 40 hay 100 người. Hãy lường trước rằng sự khó khăn là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong hành trình khởi nghiệp của bạn. Tại sao chúng tôi vượt qua được những khó khăn đó?
Cá nhân tôi nghĩ rằng cái điều mà các bạn trẻ nên khi mình bước chân vào một cuộc chơi như vậy nên có một cái tầm nhìn hoặc mong muốn đủ cháy bỏng. Hãy làm những việc mà nếu không làm bạn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, một khao khát cháy bỏng chuyện phải làm. Với chúng tôi thì đó thực sự tin vào việc Việt Nam cần một thế hệ trẻ có kiến thức, có hiểu biết cũng như có một tư duy cầu thị, hiện đại hơn.
Phóng viên: Vậy đến lúc này, có dự án nào mà dù biết rất hay, rất hấp dẫn nhưng vẫn chỉ trong ý tưởng?
Anh Trần Việt Anh: Có rất nhiều chứ. Khi đã thực sự làm bạn sẽ luôn thấy xuất hiện các ý tưởng mới và luôn muốn nắm cơ hội để triển khai. Đơn cử như nhiều lần các thành viên đồng sáng lập rất muốn mở một quán cafe nơi các thành viên có không gian gặp gỡ, chia sẻ. Rồi thay vì tất cả online thì những bạn trẻ yêu thích Spiderum có nơi để gặp gỡ trao đổi những vấn đề thực. Tuy nhiên chúng tôi chưa thể thực hiện dự án này vì thực chất thì việc vận hành, phát triển một quán cà phê hoặc một địa điểm kinh doanh kiểu như vậy khác biệt hoàn toàn so với những thứ mà hiện giờ đang có kinh nghiệm. Nếu nói rằng có làm được hay không tôi? Nghĩ là hoàn toàn làm được. Tuy nhiên, trong doanh nghiệp thì luôn luôn là câu chuyện ưu tiên. Như tôi đã nói ở trên, chúng ta không có 100 người, tiền cũng không vô hạn và luôn luôn bạn sẽ phải đưa ra những lựa chọn. Trong rất nhiều trường hợp bạn phải chấp nhận lựa chọn, thậm chí là sai. Sai đôi khi để lại những bài học quý và cần thiết.
Những bài học khởi nghiệp thành công
Phóng viên: Làm việc nhóm, tính tập thể được đề cao trong các doanh nghiệp, các tổ chức. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp khởi nghiệp thì sự sáng tạo và tinh thần cá nhân lại được đặt lên hàng đầu để tạo ra sản phẩm dịch vụ vượt trội. Làm sao để dung hòa được 2 yếu tố này trong các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ?
Anh Trần Việt Anh: Câu hỏi thú vị! Làm sao để xây dựng tổ chức của mình đồng thời vẫn phát huy được năng lực của mỗi cá nhân. Thực ra thì tôi hay nói một cách dân dã là bạn đã tạo được một game đủ hấp dẫn người chơi hay chưa? Thu hút nhân tài và để họ tỏa sáng nếu bạn đưa ra được một đề bài đủ tốt, tạo được không gian đủ tốt để cho mọi người làm chủ công việc mình. Tôi cũng như là đội ngũ sáng lập mỗi người nên làm chủ công việc, có trách nhiệm và thực sự thích những thứ mình đang làm. Như vậy thì sẽ luôn luôn tìm ra được cách thức tốt nhất để có thể đưa được ra những sản phẩm mà phù hợp với thị trường. Nếu tôi cách tiếp cận của tôi khác bạn thì hãy hỏi người thứ ba và chúng ta sẽ làm theo quan điểm của số đông. Khi mà mọi người đều tin tưởng lẫn nhau rằng đều đang cố gắng làm việc tốt nhất cho doanh nghiệp và tốt nhất cho định hướng phát triển chung, mọi người chấp nhận sự khác biệt và chấp nhận con đường khác nhau.
Phóng viên: Vậy khi những bạn trẻ thực sự mong muốn khởi nghiệp thì lời khuyên về những điều chắc chắn cần phải chuẩn bị và sẵn sàng đương đầu gồm những gì?
Anh Trần Việt Anh: Khởi nghiệp có nhiều mô hình và rất đa dạng. Có những người khởi nghiệp hai bàn tay trắng xây dựng nên. Có những người khác khi khởi nghiệp thì mong muốn xây dựng những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh và sẽ gọi vốn làm sao để cho các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng cho các vòng tiếp theo... Ngay trong khởi nghiệp đã có rất nhiều các hướng đi, rất nhiều thứ khác nhau, thậm chí các ngành nghề khác nhau. Trước khi bắt đầu mình phải tìm hiểu rất kỹ để biết mình thực sự muốn và phù hợp với cái gì?
Thứ 2, khi khởi nghiệp phải giữ được cho bản thân tâm thế tương đối lạc quan vì chắc chắn sẽ có nhiều việc không diễn ra như kỳ vọng. Rất nhiều áp lực và không giảm theo thời gian. Không lạc quan sẽ rất khó để kiểm soát cảm xúc cũng như những vấn đề khó khăn nảy sinh.
Thứ 3, cần học hỏi không ngừng. Điều này chắc không phải nhắc lại vì tinh thần học hỏi của các bạn trẻ hiện nay cực kỳ tốt, các bạn năng động và nguồn học liệu hiện nay lại cực kỳ nhiều. Có điều bạn cần giữ tinh thần đó dù ở độ tuổi nào và khởi nghiệp đến giai đoạn nào bởi việc học mới sẽ là hành trình diễn ra liên tục, yêu cầu liên tục.
PV: Trân trọng cám ơn anh với những chia sẻ vừa rồi.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trò chuyện: