Tại cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý I năm 2022, được tổ chức sáng nay, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại, thu nhập của người lao động được cải thiện hơn.

Trong quý I năm nay số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng 132,2 ngàn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm giảm mạnh đặc biệt là ở khu vực dịch vụ và đang dần trở lại trạng thái như thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2022, cả nước có hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, giảm 7,8 triệu người so với quý IV năm 2021. "Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19", Tổng cục Thống kê nhận định.

Trong số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,9 triệu người bị mất việc, chiếm 1,2%; 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 6,7%; 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 7,6%, và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 18,3%.

Trong quý I/2022, thu nhập của người lao động cũng được ghi nhận có sự phục hồi mạnh mẽ. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân của người lao động cả nước trong quý 1 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Người lao động ở ba địa phương có thu nhập cao nhất cả nước trong quý I năm nay lần lượt là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Trong đó người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập bình quân đạt 8,9 triệu đồng/tháng, tăng 36,5%, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng/tháng so với quý trước.

Thu nhập bình quân của người lao động tại Bình Dương trong quý I đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 54,0%, tương ứng tăng 3 triệu đồng/người/tháng so với quý trước. Tại Đồng Nai, thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 32,9%, tương ứng tăng 2,1 triệu đồng so với quý trước.

Thu nhập bình quân của lao động nam đạt 7,3 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân của lao động nữ đạt 5,4 triệu đồng/tháng.

Trong quý I năm nay cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh thu nhập bình quân của lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động vùng này ghi nhận đạt 5,6 triệu đồng/tháng, tăng 27,8% so với quý trước.

Đối với thu nhập bình quân của người lao động tại Hà Nội trong quý I đạt 8,5 triệu đồng, tăng 17,4%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng/tháng so với quý trước; lao động tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 8,3% và thu nhập của lao động tại Hải Phòng đạt 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,3% so với quý 4 năm 2021.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, mặc dù thị trường lao động Việt Nam đã có nhiều khởi sắc nhưng thực té vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu.

Trên cơ sở những con số được thu thập, Tổng cục Thống kê kiến nghị cần triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.