"Những câu chuyện như thế này khiến chúng ta rất đau lòng. Chỉ cần nói đến từ “bạo hành trẻ em” là tôi cảm thấy rất phẫn nộ. Những người đã gây ra cái chết đối với cháu bé dù có nói thế nào, có xin lỗi cũng không thể chấp nhận được. Cả đạo đức và hành vi đều vi phạm rất nghiêm trọng. Đã là con người chúng ta phải tuân thủ pháp luật và những hành vi này là vi phạm pháp luật" - Chuyên gia bảo vệ trẻ em Lê Thị Khánh Vân.
Phóng viên: Thưa bà, người gây ra tội ác sẽ bị trừng trị đích đáng theo pháp luật. Nhưng theo bà liệu có thể ngăn những vụ việc tương tự như thế này xảy ra nữa không? Cá nhân tôi nghĩ là khó vì trước đây đã có nhiều vụ tương tự xảy ra và chúng ta chưa thể ngăn chặn. Bà cho rằng trách nhiệm này thuộc về ai?
Chuyên gia Lê Thị Khánh Vân: Đầu tiên là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Vậy đâu là cơ quan quản lý? Ở đây chúng thấy rằng theo quy định của pháp luật, UBND cấp xã, phường sẽ là nơi quản lý những cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ trên địa bàn của mình. Ngoài Ủy ban còn có Ban bảo vệ trẻ em các cấp, cán bộ bảo vệ trẻ em tại xã, phường và chúng ta cũng có cả một hệ thống bảo vệ trẻ em nữa.
Không chỉ Ủy ban nhân dân xã, phường còn có ngành lao động thương binh và xã hội. Liên quan đến giáo dục trẻ thì cũng có nghĩa là còn ngành giáo dục nữa. Trong Luật hay bất cứ một văn bản pháp lý nào cũng nói đến trách nhiệm của người chăm sóc trẻ, đó là cha mẹ. Trong câu chuyện này tôi thấy có nhiều trách nhiệm của các bên.
Khi mà những sự việc này xảy ra thì bất kỳ ai đều đặt câu hỏi là tại sao tại? Sao cha mẹ lại gửi con mình vào những nơi đó? Tại sao những người nói là tôi là bảo mẫu mà lại làm những việc như vậy, lại thành ác quỷ? Thế rồi, tại sao những cơ sở như vậy vẫn tồn tại? Tại sao lại không có ai báo cáo sự việc hay là có thể là cảnh báo cho cha mẹ những việc như vậy......
Phóng viên: Có một điểm chung của những sự việc bạo hành trẻ gần đây là xảy ra tại cơ sở không phép, tự phát và theo bà thực tế này nói lên điều gì?
Chuyên gia Lê Thị Khánh Vân: Đúng là chúng ta thấy những sự việc đau lòng này thường xảy ra tại các cơ sở không phép và tự phát. Như vậy là nó không có các yếu tố quản lý của Nhà nước hoặc là hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Tôi nghĩ vai trò các cơ quan chức năng là hướng dẫn cho họ biết. Nếu anh chị muốn làm mở cơ sở trông giữ trẻ thì anh chị đến đây tôi hướng dẫn, hỗ trợ và đào tạo cho chuẩn hóa chứ không phải là anh chị có đạt chuẩn không, nếu không thì tôi đóng cửa. Đây là hình thức quản lý dọa nạt.
Chúng ta biết rằng hiện nay các cơ sở công lập không đủ năng lực để chăm sóc hết các con trên địa bàn thì việc xã hội hóa là đương nhiên và vì thế cho nên nó có lý do để các cơ sở tư thục tồn tại. Chúng ta thấy đây là nhu cầu chính đáng của cha mẹ, nhưng để giúp cha mẹ gửi vào cái nơi mà con mình được an toàn thì các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan có trách nhiệm cần phải truyền thông và chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực cho chính cha mẹ để nhận biết.
Phóng viên: Quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tôi nghĩ, vấn đề không chỉ nằm ở chuyện thủ tục hành chính, đảm bảo bảo cơ sở vật chất mà còn ở con người. Không thể cứ thích thì ai cũng làm được?
Chuyên gia Lê Thị Khánh Vân: Đúng là nếu như trong các cơ sở công lập, người ta đã có quy chuẩn hóa về mặt nghiệp vụ đối với thầy cô giáo, các thầy cô cũng đều phải học về tâm sinh lý của trẻ, các giai đoạn phát triển lứa tuổi. Nhưng với cơ sở này do không có hướng dẫn một cách rõ ràng người ta cứ tự làm thì chắc chắn là như vậy rồi.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng cho dù chúng ta cũng đã có quy định quy chuẩn đối với các cơ sở chăm sóc trẻ em của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, rồi Thông tư hướng dẫn, thế nhưng các văn bản này cũng chỉ có những quy định liên quan đến trách nhiệm của cơ sở là như thế này, rồi cơ sở vật chất như thế kia. Còn quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người chăm sóc trẻ thì chưa coi trọng.
Và khi chúng ta đã có quy định rồi thế nhưng mà người dân không biết, cha mẹ cũng không biết rằng để gửi con vào một cơ sở thì tôi cần phải biết cơ sở đấy có những tiêu chuẩn nào. Tôi muốn chúng ta phải làm mạnh hơn việc tuyên truyền về quy chuẩn đối với các cơ sở tư thục để cha mẹ hiểu rằng tôi gửi con tôi vào đấy là an toàn.
Phóng viên: Nhưng cũng đặt vấn đề ngược lại, đó là làm thế nào để quản lý các cơ sở mầm non, để nâng cao chất lượng, đạo đức của những người chăm sóc trẻ? Bởi những cơ sở không phép này chủ yếu nằm ở những khu vực nông thôn, dân cư nghèo, công nhân lao động, không có đủ điều kiện cho em mình vào những nơi tốt hơn. Thưa chuyên gia, bà có quan điểm, cũng như giải pháp nào về vấn đề này?
Chuyên gia Lê Thị Khánh Vân: Thực ra đôi khi không phải thành phố là có điều kiện tốt hơn. Sự việc lần này xảy ra là ở thành phố Hà Nội đấy chứ. Vì thế, tôi thấy rằng, cho dù là ở đâu thì cái quy chuẩn và sự quản lý đối với các cơ sở mầm non tư thục mình phải làm chặt và cần phải có sự đồng hành tham gia của chính những người sử dụng dịch vụ, đó là cha mẹ. Cha mẹ cũng phải được truyền thông và hiểu biết rằng nếu tôi muốn gửi con thì tôi nên gửi ở đâu.
Về giải pháp, tôi đang nghĩ đến một ý rằng, nên chăng chúng ta có một cơ sở dữ liệu và có một đường dây nóng để giúp cho cha mẹ biết các cơ sở, địa chỉ nào đạt tiêu chuẩn. Nên chăng chúng ta có thể chuẩn hóa và cho các sơ sở giáo dục mầm non đăng ký và có cơ quan quản lý về mặt dữ liệu. Khi đó, cha mẹ sẽ được giải đáp kịp thời là ở xã phường mình đang sinh sống có cơ sở mầm non nào đủ điều kiện.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Tháng 11/2022 (tức chỉ mới ít tháng trước), một bé gái 17 tháng tuổi ở phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM cũng đã không thể qua khỏi do bị người giữ trẻ bạo hành, gây chấn thương sọ não đến mức tử vong. Đối tượng này cho biết nhiều lần dùng tay, cán chổi bằng nhựa đánh vào mặt, tay chân của bé gái do "bé hay quấy khóc" và "cha bé không trả tiền giữ bé đúng hạn".
Cũng trong năm 2022, tại TP.HCM, bé gái T.K. chỉ mới 1 tuổi chết tức tưởi dưới tay người chăm sóc Hứa Thị Kim Trang trong tình trạng đa chấn thương vùng bụng, dập gan, dập phổi…
Hay trường hợp tại Lâm Đồng, cháu bé 2 tuổi con chị C.T.T.H. bị hai bảo mẫu là Huỳnh Thị Thanh Hằng (26 tuổi) và Vương Ngọc Thảo Vy (27 tuổi) đánh đập dã man đến mức chấn thương sọ não, tụ máu não và dập phổi...