Thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 trong nước hết sức phức tạp, cùng với tình hình quốc tế có nhiều biến động đã và đang làm giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh… cho đến những mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm hằng ngày của người dân tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Quản lý thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nhận định: Do áp lực về tỷ lệ người nhiễm tăng cao cộng với tâm lý của người Việt Nam thích mua trữ hàng hóa để đề phòng dịch bệnh dẫn đến nhu cầu về trang thiết bị y tế như bộ test hay các loại thuốc kháng virus, thực phẩm chức năng nhằm tăng cường sức khỏe cho người dân tăng cao….Nhu cầu tăng đột biến tất yếu dẫn đến việc cung cấp hàng hóa không đủ theo nhu cầu, vì vậy một số tổ chức, cá nhân lợi dụng và tìm cách đầu cơ găm hàng để tăng giá, thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, chiến sự giữa Nga và Ukraine không chỉ đẩy giá dầu thô, mà còn khiến nhiều loại hàng hóa cơ bản khác trên thế giới tăng cao. Ngoài tác động trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm lên thì giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa đi lên, tạo áp lực lên lạm phát, trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

“Hai quốc gia này có vị thế rất quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Bởi vậy khi giá dầu tăng cao sẽ dẫn đến nguyên liệu đầu vào tăng như các sản phẩm phân bón, sản phẩm hóa chất công nghiệp”, ông Nguyễn Đức Lê phân tích.

Trước đà leo thang của giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của dịch bệnh và xung đột vũ trang Nga - Ukraine, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Công điện 960 yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung-cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Ngay sau công điện này, lực lượng quản lý thị tường đã chuyển khai rất nhiều hoạt động nghiệp vụ, trong đó tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tính chung trong 2 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý trường đã kiểm tra, xử lý các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng khi được chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép hoặc giảm lượng bán hàng hóa ra so với thời gian trước đó không có lý do chính đáng hoặc là vi phạm về đăng ký thời gian bán hàng bán cao hơn, giá niêm yết vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Tiền Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng. Đặc biệt đối với nhóm trang thiết bị y tế và bộ test xét nghiệm cũng như thuốc điều trị covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay lực lượng quản lý trường trên cả nước đã phát hiện kiểm tra, xử lý hơn 13.000 bộ kít test, gần 4.000 lọ thuốc hỗ trợ điều trị covid- 19 với trị giá hàng hóa vi phạm trên 2,4 tỷ đồng và xử phạt 216.000.000 đồng đối với các tổ chức, cá nhân đã có hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ găm hàng, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả đối với mặt hàng kít test, thuốc điều trị covid-19.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, trong bối cảnh hiện nay lực lượng quản lý thị trường nói riêng cũng như các cơ quan chức năng nói chung đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ phía thương mại truyền thống cũng như thương mại điện tử. Đối với thương mại truyền thống, các tổ chức, cá nhân vi phạm thường tìm cách để bán hạn chế hàng hóa rồi thông báo hết hàng hoặc là đóng cửa hoặc người bán hàng không niêm yết giá chính xác. Đó là khó khăn rất lớn cho cơ quan kiểm tra, giám sát, thậm chí khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ cửa hàng còn tìm cách đóng cửa hoặc từ chối cung cấp.

Còn riêng đối với thương mại điện tử, ông Lê cho rằng, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và sự phát triển phi mã của thương mại điện tử trên mạng xã hội, nhiều tài khoản đã công khai rao bán tràn lan các bộ kit test với giá rẻ hơn rất nhiều so với các nhà thuốc. Trong khi những đối tượng này thường giấu danh tính thật và không có địa chỉ cụ thể, lại buôn bán trong thời gian rất ngắn, làm cho lực lượng chức năng khó phát hiện và xử lý.

“Nhiều khi chúng tôi phát hiện được, tìm cách đến để kiểm tra, xử lý thì các đối tượng đã tẩu tán. Các sản phẩm được bày bán trên mạng, ngoài những sản phẩm mà được mua bằng đường hàng hóa nhập lậu thì còn có những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng giả”

Theo ông Nguyễn Đức Lê, với những thách thức như vậy, lực lượng quản lý thị trường phải tăng cường rà soát, phát hiện kiểm tra, xử lý kịp thời, phối hợp với các chủ sàn thương mại điện tử rồi các mạng xã hội, tích cực tuyên truyền để quản lý và ngăn chặn kịp thời cũng như cảnh báo đối với người tiêu dùng.

Ngoài ra theo ông Lê, trong bối cảnh phức tạp hiện này, để giám sát hiệu quả thị trường hàng hóa, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan để nắm bắt kịp thời thông tin về các sản phẩm được phép nhập khẩu chính ngạch, các trang thiết bị y tế, từ đó giám sát phát hiện kịp thời các sản phẩm không được phép lưu hành trên thị trường.

Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các đơn vị chức năng trên địa bàn, nhất là Ban chỉ đạo 389 các cấp để làm tốt công tác quản lý theo địa bàn, giám sát một cách thường xuyên kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng tăng giá bán bất hợp lý.

Ngoài sự phối hợp này, trong công điện 960, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý, tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; không được để xảy ra tình trạng quan liêu, bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tham nhũng, hối lộ trong công tác quản lý thị trường.

Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng nếu để đơn vị mình có những vi phạm trong hoạt động công vụ hoặc để xảy ra các hành vi gian lận thương mại bị các cơ quan chức năng hay người dân phản ánh, phát hiện mà không được xử lý.