Ngày 19/9/2024 đánh dấu 50 năm ngày các chiến sĩ cách mạng làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào chiến thắng trở về sau những tháng ngày bị địch bắt giam cầm tại nhà tù Xam Khê – Viên Chăn (Lào). Buổi họp mặt long trọng không chỉ là dịp để ôn lại quá khứ hào hùng của các chiến sĩ, mà còn là lời tri ân sâu sắc đối với những người đã dành trọn tuổi thanh xuân để chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc và góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị vững chắc giữa Việt Nam - Lào.
Tại buổi họp mặt truyền thống của Ban liên lạc Chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam bị địch bắt tù đày tại chiến trường Lào sau 50 năm ngày “Chiến thắng trở về”, các cựu chiến binh, những người từng là chiến sĩ cách mạng tại Lào, đã tụ họp về Hà Nội. Những gương mặt già nua, mái tóc bạc trắng nhưng trong ánh mắt họ luôn ánh lên niềm tự hào và lòng kiên cường của những người đã từng sống, chiến đấu và vượt qua cái chết để trở về.
Ông Kiều Ngọc Khuê, Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị địch bắt tù đày tại nhà tù Xam Khê cho biết “50 năm mới có một ngày, điều chúng tôi tâm đắc là tổ chức họp mặt nói lên cuộc đấu tranh trong nhà tù, ôn lại những ngày chúng tôi chiến đấu gian khổ”.
Buổi họp mặt chiến sĩ quân tình nguyện bị địch bắt tù đày tại nhà tù Xam Khê (Lào) mang một không khí xúc động, khi những người lính từng chiến đấu tại chiến trường Lào ngồi bên nhau, ôn lại ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào. Những cái ôm, những giọt nước mắt đoàn tụ cùng đồng đội đã trở thành khoảnh khắc thiêng liêng, khép lại một chặng đường đầy đau thương và mở ra hy vọng cho tương lai.
Dù thời gian đã lùi xa nửa thế kỷ, những ký ức về những ngày tháng gian khổ, khốc liệt trong nhà tù địch vẫn hằn sâu trong tâm trí của những người lính từng trải qua cuộc đời nơi ngục tù tăm tối.
Ông Trương Anh Việt, một cựu chiến sĩ từng tham gia chiến đấu tại Lào, bị bắt tù đày vào ngày 19/3/1972 trong một trận đánh tại Long Chẹng (Xiêng Khoảng) nhớ lại: “Khi chúng tôi vào chiến trường, có 19 đồng chí đánh sân bay Long Chẹng, bị lộ nên hy sinh gần hết, tôi và 2 đồng chí nữa bị địch bắt vào nhà tù Xam Khê”.
Những cuộc hành quân băng rừng, vượt sông, tiến sâu vào những vùng chiến sự ác liệt của Lào đã trở thành một phần ký ức không thể phai nhòa với các chiến sĩ cách mạng. Đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn ác của kẻ thù, họ luôn giữ vững ý chí chiến đấu, đoàn kết với đồng bào Lào để bảo vệ từng tấc đất của nước bạn. Cựu chiến binh Trần Văn Lực, nguyên là chiến sĩ đơn vị C2, D2, Đoàn 559 lên đường với một quyết tâm cao nhất là giúp nước bạn đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng lại đất nước.
“Tôi thực hiện nhiệm vụ giữ chốt từ tháng 12/1972. Trong trận đánh ở thị trấn Bắc Sỏn, tôi bị thương ở chân, cháy toàn bộ mặt. Sau khi máy bay ném bom, tôi tiếp tục bị thương vào đầu rồi ngất đi. Hai ngày sau, địch tràn lên, bới hầm và bắt được tôi” – Ông Lực kể.
Chiến trường Lào không chỉ là nơi chứng kiến sự hy sinh của những người lính trên mặt trận, mà còn là nơi nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã bị địch bắt và giam cầm trong các nhà tù tăm tối. Một trong những nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt nhất chính là Xam Khê, nơi hàng trăm chiến sĩ và chuyên gia quân sự Việt Nam đã bị địch giam giữ.
Cuộc sống trong nhà tù Xam Khê là một chuỗi ngày dài của những gian khổ và nguy hiểm. Không chỉ đối mặt với sự khắc nghiệt về thể xác, các chiến sĩ còn phải đấu tranh chống lại sự suy sụp tinh thần. Kẻ địch cố gắng tra tấn và dùng mọi thủ đoạn để bẻ gãy tinh thần của họ, nhưng những người chiến sĩ ấy vẫn kiên cường giữ vững niềm tin vào tương lai, vào chiến thắng của cuộc đấu tranh cách mạng. Bên trong bức tường nhà tù khắc nghiệt ấy, tình đồng đội, sự đoàn kết là động lực lớn nhất giúp họ vượt qua mọi thử thách.
Ông Trần Đức Toản, một cựu chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Xam Khê chia sẻ: “Điều không thể quên được là trong lao tù, có đồng đội yêu thương. Tôi bị thương vỡ đầu, gãy tay, anh em băng bó cho. Những kỷ niệm anh em chăm nhau, nhường cơm sẻ áo, từng hạt muối, hạt gạo trong những lúc đấu tranh tuyệt thực khi địch đàn áp”.
Nhà tù Xam Khê không khác gì một “địa ngục trần gian”. Những ngày tháng trong tù là chuỗi ngày dài của những đau đớn và khổ cực. Chiến sĩ cách mạng Trần Đức Toản cùng đồng đội bị giam cầm trong những căn phòng nhỏ bé, thiếu thốn về lương thực và nước uống. Mọi nỗ lực trốn thoát đều bị địch đàn áp tàn bạo. Tuy nhiên, giữa cảnh ngục tù đen tối, các chiến sĩ vẫn duy trì được tinh thần đoàn kết và ý chí cách mạng kiên cường. Họ âm thầm tổ chức những buổi sinh hoạt, trao đổi tin tức và tìm cách tiếp tục hoạt động bí mật trong tù.
“Lúc đó lóe lên tinh thần tự chết để lên án kẻ thù. Tôi có con dao tự tạo chặt đứt ngón tay, anh em đồng đội gào thét ầm ĩ, đập phá cửa sắt, kẻ thù hoảng loạn. Khi tôi tỉnh lại, anh em ra hiệu kẻ thù đã thất bại, chấp nhận mọi điều kiện của cuộc đấu tranh tuyệt thực. Các đồng chí giơ nắm đấm, ra hiệu thắng lợi tuyệt đối. Một ngón tay đi vào ký ức không thể nào quên” – cựu chiến sĩ Trần Đức Toản tự hào nhớ lại.
Sau nhiều năm kiên cường đấu tranh, ngày 19/9/1974, toàn bộ 176 chiến sĩ Việt Nam bị địch bắt tù đày đã được chính quyền Viên Chăn trao trả cho Mặt trận Lào yêu nước tại sân bay Pôn Xa Vẳn, tỉnh Xiêng Khoảng. Ngày 19/9/1974 đã trở thành một dấu ấn lịch sử không thể phai nhòa trong tâm trí của những cựu chiến binh. Đó là ngày họ được tự do, ngày chiến thắng thực sự, khi họ được trao trả sau nhiều năm bị địch giam cầm.
Những chiến sĩ quân tình nguyện như ông Trương Anh Việt không thể nào quên khoảnh khắc bước ra khỏi nhà tù, được nhìn thấy ánh sáng, được nghe tin về chiến thắng của cách mạng Việt Nam. Mọi cảm xúc được người lính cựu gửi gắm qua những vần thơ:
Tan nát thịt da mà môi chẳng hé
Máu chảy đêm dài mắt chẳng nhắm hàng mi
Một sớm một chiều anh ra đi
Nhận cái chết bước vào chân lý
Người cộng sản một tâm hồn giản dị
Lấy trái tim mình làm thuốc nổ tấn công
Anh hóa thân thành bảy sắc cầu vồng
Tổ quốc nhắc đến là vắt ngang trời Tổ quốc
Nụ cười hiền mấy ai có được
Cờ đỏ sao vàng lấp lánh ánh bình minh
50 năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện về những chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam bị địch bắt tù đày tại nhà tù Xam Khê (Lào) vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc. Những người lính ấy không chỉ là những anh hùng của Việt Nam, mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị quốc tế, của sự đoàn kết và lòng dũng cảm./