Trưa 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập đã trở thành dấu mốc lịch sử vĩ đại trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, không thể không kể đến dấu mốc quan trọng tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đó là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972.

Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân ta. Góp phần làm nên chiến thắng vang dội đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng quân y, những người làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương bệnh binh nơi chiến trường. Thời gian trôi đi nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử đó vẫn còn mãi.

Người chiến sĩ khoác trên mình chiếc áo “blouse trắng”

Ông Vũ Hồng Hải – hiện là Phó Chủ tịch Hội Quân dân y Việt Nam cho biết, năm 1971 khi đang là sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội, theo tiếng gọi của Tổ Quốc ông lên đường nhập ngũ.

Sau 2 tháng huấn luyện tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, ông gấp rút lên đường hành quân chi viện cho mặt trận Quảng Trị. Nhiệm vụ lúc đó là vừa chăm sóc, điều trị cho chiến sĩ ngoài mặt trận, phân loại chiến sĩ bị thương vừa phụ trách việc ăn uống, chăm lo nâng cao sức khỏe cho đồng đội.

“Khi tôi về, tôi tranh thủ thời gian giữa các trận đánh để huấn luyện cho bộ đội về 5 kỹ thuật cấp cứu, đồng thời bổ sung thêm cứu thương viên ở các trung đội nhằm nâng cao chất lượng cấp cứu ở các phân đội. Khi năng lực cấp cứu của phân đội đã tốt rồi, tôi phải lo nhiều hơn việc điều trị tại chỗ và phối hợp với tổ nuôi quân để giữ vững sức khỏe bộ đội góp phần gìn giữ sức chiến đấu của đơn vị bởi vì lúc này nuôi quân mà không tốt, bộ đội yếu mà không giữ lại để điều trị tại chỗ thì không thể bổ sung được quân số chiến đấu của đơn vị” – Ông Vũ Hồng Hải kể.

Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, phương tiện cứu chữa, ông Hải cùng đồng đội luôn có những sáng kiến trong điều trị vết thương, như lấy lá trầu không dã ra rồi nhúng cồn bôi lên để điều trị ghẻ và hắc lào, hay uống B1 đề phòng bệnh tê phù do thiếu ăn gây ra.

Nơi điều trị cũng là chiến trường. Tại chiến trường Quảng Trị, máy bay Mỹ bay lượn trên bầu trời suốt ngày đêm, pháo, đại bác, bom đạn rền vang khắp nơi. Do vậy, những y tá, bác sĩ cũng là những người lính chiến đấu. Ông Hải cũng không là một trong số đó.

“Hồi đó không ai phân biệt công việc của ai, ngoài việc chăm lo ăn uống ngủ nghỉ, sức khỏe cho đồng đội, tôi còn lên trận địa chỉ huy pháo binh. Chiến đấu gay gắt quá nên mình phải nạp đạn nhanh, bắn xong là rút xuống không khéo thì mất mạng vì quân địch phản pháo nhanh lắm” – Ông Vũ Hồng Hải nhớ lại một thời oanh liệt.

Những người lính chiến đấu cũng có thể là “y tá” cứu chữa cho bệnh binh

Cũng trong đợt Tổng động viên năm 1971, Đại tá Nguyễn Đình Lập, chàng thanh niên 17 tuổi viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ. Ông là bộ đội trinh sát của tiểu đoàn 7, sư đoàn 18, trung đoàn 35. Tháng 8 năm 1972, trung đoàn của ông tiến thẳng vào Quảng Trị, có nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ.

Một đại đội có hơn 70 người, thế nhưng chỉ có một y sĩ. Do vậy, trong những trận đánh nếu chỉ có 1 người lo cấp cứu, băng bó cho chiến sĩ thôi sẽ không thể làm xuể. Để tránh cho những đồng chí hy sinh không đáng có, bất cứ bộ đôi nào cũng được huấn luyện về cấp cứu, trang bị băng bông để dùng khi cần thiết.

“Bản thân chúng tôi trong quá trình huấn luyện cũng được đào tạo về sơ cứu 6 tháng, do vậy, với những vết thương đơn giản thì các bác vẫn có thể làm được. Mỗi chiến sĩ, trong người lúc nào cũng đều có túi bông băng, thuốc sát trùng, gây tê, do vậy mặc dù không phải y tế nhưng với những vết thương đơn giản thì chúng tôi đều có thể sơ cứu được” – Ông Nguyễn Đình Lập cho biết.

Chiến sỹ ta bị thương rất nhiều, trong khi lực lượng làm công tác cứu thương mỏng nên không kịp sơ cứu ban đầu. Những lúc như thế, ông buông tay súng dùng tất cả những gì có thể để băng bó, cầm máu cho người bị thương. Trong chiến tranh, thiếu thuốc gây tê, gây mê thế nhưng dù bị thương, đau đớn thế nào thì những chiến binh vẫn cắn răng chịu đựng.

“Hồi đó, người Thành Cổ chịu bom đạn 24/24h từ 6h sáng đến 6h tối pháo kích máy bay A7 ném bom, nghi chỗ nào thả bom chỗ đấy. Tối đến từ 6h tối đến 6h sáng thì pháo kích. Một hôm trinh sát ban đêm 2h00 sáng nghe tiếng rên, thấy có 2 bộ đội đặc công nằm ở đấy. Sau khi đưa 2 anh này về thấy mỗi anh phải có hơn 30 vết thương, chúng tôi băng bó cho các anh đấy. 4-5 ngày sau, những vết thương không băng được bị mưng mủ thì phải đưa đến nhà phẫu” - Ông kể về một lần cứu 2 đồng chí bị 30 vết thương trên người do bom đạn.

Nhớ lại những ngày đó ông Nguyễn Đình Lập còn ví vui rằng vết muỗi đốt trên người còn nhiều hơn cả những nốt trẻ con lên sởi, thiếu cơm, chỉ có lương khô để ăn… Nhưng tất cả những điều đó không làm nản lòng những chiến sĩ quả cảm.

“Lúc bấy giờ dịch bệnh có. Hình dung là hồi đó thương vong nhiều, người chết nhiều, nước từ xác người chết ngấm vào nước giếng, nước bẩn và hôi thối nhưng vì cũng quen nên về sau không ai cảm nhận được nữa. Rồi trong một tháng không có cơm, chỉ có lương khô, ăn lương khô uống nước thối, ai bụng dạ yếu uống vào thì đều bị ảnh hưởng tiêu hóa. Khó khăn thế nhưng lúc này đánh chiến ác liệt, bản thân ngay từ khi nhập ngũ đã xác định sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, phải chiến đấu bằng mọi giá ở lại giữ chốt”.

Ngày 16/9/1972, cuộc chiến đấu anh hùng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc, ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bề mạnh mẽ của quân và dân ta. Tiếp nối thành công này, những chiến sĩ quả cảm tiếp tục lên đường hành quân vào miền nam, bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đại tá Nguyễn Đình Lập vinh dự là người đầu tiên hạ lá cờ ở Đại sứ quán Mỹ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã trải qua gần 21 năm - là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong chặng đường ấy, những chiến sĩ khoác trên mình áo “blouse trắng” cũng là một trong những lực lượng nòng cốt xông pha vào các trọng điểm ác liệt, kịp thời hỗ trợ cứu chữa tính mạng cho đồng đội. Cuộc chiến đấu của họ là tượng đài bất tử, cả về trí tuệ và tinh thần./.