Đầu năm thường là thời điểm thiếu hụt lao động do lượng lớn công nhân về quê ăn Tết không quay trở lại làm việc và “nhảy việc”. Nhưng năm nay, hiện thị trường lao động đã có những tín hiệu vui. Tại các tỉnh, thành phố, hầu hết người lao động đều đã trở lại làm việc. Thành phố Đà Nẵng là một ví dụ. Tại các Khu công nghiệp như Hoà Khánh, Hoà Cầm, An Đồn... có hơn 96% số công nhân trở lại làm việc. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Dai Wa – đơn vị hiện có gần 4.000 lao động trở lại làm việc, chia sẻ: “Mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng đông đảo công nhân của chúng tôi đã quay lại làm việc. Công ty nhận được nhiều đơn hàng nên khi công nhân trở lại, chúng tôi rất mừng”.

Bắc Giang là địa phương thu hút lượng lớn lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp. Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang cho biết, 2 năm trở lại đây không xảy ra tình trạng người lao động ồ ạt nghỉ việc sau Tết. Năm nay, ngay sau đợt nghỉ Tết, người lao động trở lại làm việc với tỷ lệ cao. “Hiện khoảng 98% doanh nghiệp tại Bắc Giang đã đi vào hoạt động. Hơn 90% lao động tại các doanh nghiệp cũng đã trở lại làm việc”, ông Huế cho biết.

Thành phố Hồ Chí Minh - thị trường lao động lớn nhất cả nước cũng đón tín hiệu vui. Khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy, đến nay đã có hơn 96% người lao động quay trở lại làm việc. Tỷ lệ này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Theo ông Phan Xuân Minh, Giám đốc Công ty Cơ điện lạnh Thuận Phát, đây là một phần kết quả từ sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động vào dịp Tết và trong đại dịch COVID-19 thông qua chế độ lương, thưởng. “Dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn tăng lương và điều chỉnh mức thưởng lên. Dù không nhiều nhưng đây chính là yếu tố khích lệ người lao động đồng hành, gắn bó với doanh nghiệp”, ông Minh chia sẻ.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP.HCM cho rằng, bên cạnh lương thưởng của doanh nghiệp, thành phố cũng có những chương trình hỗ trợ người lao động. Đây cũng là điều kiện thu hút công nhân trở lại làm việc và yên tâm gắn bó với doanh nghiệp”, ông Tấn chia sẻ.

Ông Tấn cho biết thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch chăm lo lâu dài cho công nhân. Có thể kể đến là việc vận động các chủ nhà trọ giảm tiền phòng cho thuê, đồng thời hỗ trợ chủ trọ vay tiền với giá ưu đãi để chỉnh trang các nhà trọ đạt chuẩn về phòng ốc, bảo đảm phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.

Thiếu hụt lao động sau Tết từ lâu là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Thiết nghĩ để câu chuyện này không tái diễn, bên cạnh sự chăm lo từ các chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống của người lao động.

Nghe bài viết dưới đây