Chỉ gần hai tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về Chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã giải ngân được 98,39 tỷ đồng cho 1.208 khách hàng trên toàn quốc. Với nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục, đây là tín hiệu đáng mừng, giúp họ có động lực "hồi sinh".

Bà Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH cho biết, ngay sau khi Quyết định 11 của Chính phủ được ban hành, NHCSXH đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn cho vay đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ, quán triệt đến toàn thể cán bộ trong đơn vị, cũng như tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đến các cấp, các ngành để triển khai thực hiện và giám sát.

Theo quy định, mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, trường tiểu học tư thục. Khách hàng vay vốn theo quy định tại Quyết định 11 không phải thực hiện bảo đảm tiền vay đối với mức vay đến 100 triệu đồng. Nếu mức vay từ trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của NHCSXH.

Lãi suất cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 3,3%/năm (0,275%/tháng); Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Mời quý vị nghe bà Hoàng Thị Chương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội tư vấn, giải đáp cụ thể các thắc mắc liên quan đến chương trình tín dụng ưu đãi với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập tại đây: