Theo ông Trần Thành Vinh, Trưởng Ban Khoa học - Kỹ thuật, Hiệp hội PCCC và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam, có 6 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến các vụ hỏa hoạn liên quan tới phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nói chung, trên ô tô khách, ô tô buýt nói riêng:
- Thứ nhất, do lỗi hệ thống điện, thường là do chạm chập, do quá tải hay do hệ thống đánh lửa.
- Thứ hai, do nhiên liệu, thông thường là do rò rỉ.
- Thứ ba, các hệ thống quá nhiệt bao gồm động cơ, hệ thống phanh, các hệ thống truyền động khác.
- Thứ tư, do các yếu tố bên ngoài, ví dụ như các yếu tố liên quan tới tai nạn va chạm hay hỏa hoạn từ các phương tiện khác, môi trường xung quanh như xe chở các hàng hóa, vật liệu dễ cháy.
- Thứ năm, nguyên nhân đến từ lỗi kỹ thuật, thông thường là do thiếu bảo trì, bảo dưỡng đúng cách theo khuyến cáo của nhà sản xuất hay sử dụng các linh kiện kém chất lượng, cũng có thể lỗi do các bộ phận thiết kế từ nhà sản xuất.
- Thứ sáu, do lỗi người sử dụng, thông thường là do thói quen hút thuốc, sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân hay hành vi cố ý gây ra vụ hỏa hoạn.
Xe buýt bốc cháy thường xảy ra rất nhanh, tuy nhiên theo ông Trần Thành Vinh, vẫn có thể có những dấu hiệu nhận biết ban đầu ví dụ như ngửi thấy mùi khét. Chúng ta cũng có thể quan sát thấy đám khói bốc lên hoặc là nghe thấy những tiếng nổ lách tách của hệ thống điện. Thông thường với động cơ, chúng ta có thể quan sát thấy nhiệt độ nước làm mát động cơ vượt quá giới hạn cho phép một cách bất thường hoặc là nhiệt độ trong xe cảm giác nóng lên do đám cháy âm ỉ hình thành, cũng có thể là công suất tốc độ hoạt động của xe giảm một cách bất thường.
Khi không may ngồi trên một chiếc xe buýt bị cháy, hành khách cần giữ bình tĩnh và thông báo tới những người xung quanh, tìm lối thoát nạn gần nhất thông qua quan sát hoặc sử dụng dụng cụ đập vỡ kính để thoát ra ngoài. Khi thoát ra ngoài cần thực hiện đúng cách, dùng tay che miệng để bảo vệ đường hô hấp, cúi thấp người và nhanh chóng rời xa. Sau đó, gọi lực lượng cứu hộ theo số 114 và cung cấp thông tin một cách chính xác. Những người xung quanh khi phát hiện thì có những hành động trong việc chữa cháy và giúp người bị nạn thoát nạn khỏi đám cháy.
Cháy ô tô khách, xe buýt là điều chúng ta không mong muốn, nhưng thực tế đã diễn ra. Để giảm thiểu các nguy cơ và các thiệt hại do loại hình đám cháy này gây ra, ông Trần Thành Vinh đưa ra khuyến cáo với các hãng xe:
- Cần kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ xe theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Sử dụng các linh kiện và dịch vụ chính hãng.
- Trang bị các thiết bị chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, chăn chữa cháy và thiết bị phục vụ thoát nạn.
- Đào tạo lái xe về kiến thức phòng cháy và kỹ năng xử lý tình huống.
- Kiểm tra kỹ càng tình trạng kỹ thuật của xe trước khi xuất bến, trong đó có kiểm tra tổng thể và kiểm tra hành lý, hàng hóa mang theo.
- Cập nhật các công nghệ mới bằng cách sử dụng các vật liệu nội thất khó cháy hay sử dụng các giải pháp về bảo vệ hệ thống điện.
- Tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, quy định về bảo trì, bảo dưỡng.
Nghe tư vấn của ông Trần Thành Vinh: