Chuyển đổi số đã tác động tới nhiều lĩnh vực ở nước ta. Người dân và doanh nghiệp được hưởng những lợi ích từ dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, chuyển đổi số sẽ tác động sâu rộng tới từng doanh nghiệp, trong đó có 58 nghìn doanh nghiệp số và ngược lại chính những người dân, người lao động trong doanh nghiệp cũng thay đổi cách thức để thích nghi với sự số hóa này.

Trước đây, hàng tháng, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, nhân viên kế toán đều phải đến cơ quan thuế, mất thời gian đi lại và chờ đợi nhưng hiện nay khi các cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công đã giúp cho chị cũng như rất nhiều người dân làm những dịch vụ khác tiện lợi hơn rất nhiều, không mất nhiều thời gian.

Không chỉ người dân mà ngay chính các doanh nghiệp, hiệu quả cho thấy rõ khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh như Hợp tác xã Vụn Art. Trước kia khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, việc sổ sách kế toán rồi quảng bá sản phẩm, giới thiệu những mặt hàng mới ra thị trường của doanh nghiệp còn chậm, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi chuyển sang hệ thống số hóa sổ sách và quản trị, doanh nghiệp đỡ tốn chi phí và thời gian rất nhiều, đơn hàng và quảng bá sản phẩm đã hiệu quả hơn trước. Anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art cho biết, doanh thu của doanh nghiệp tăng từ khi ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh mang. Trong thời gian tới, anh sẽ xây dựng lại trang website để quảng bá về sản phẩm của doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Việc các cơ quan Nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ công đã không chỉ mang lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp mà cho chính các đơn vị này trong việc xử lý thông tin như chia sẻ của ông Vũ Trọng Quế, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định. Lúc mới áp dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số trong dịch vụ công, chính những nhân viên công vụ cũng cảm thấy khó nhưng khi đã sử dụng quen thì mọi việc rất hiệu quả, đơn giản.

Còn theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp quản trị công của Ngân hàng thế giới, xét ở tầm vĩ mô, việc chuyển đổi số giúp nâng cao năng lực điều hành của Chính phủ, cung cấp những dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn tới người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số là để phục vụ mục tiêu như nâng cao tính hiệu quả của Chính phủ, cung cấp dịch vụ thông minh hơn tới người dân và Chính phủ. Hướng tới mục tiêu là tăng cường năng lực cạnh tranh của Chính phủ.

Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin, đưa mọi hoạt động trên môi trường số toàn diện. Công nghệ càng phát triển, các nước đi sau sẽ ứng dụng mạnh mẽ và nhanh hơn như phân tích của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số giúp cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, với giá rẻ nhất, đột phá ở chỗ mỗi người mỗi hộ dân mỗi doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu.

Đây cũng là điều mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định khi nói về thành công trong việc chuyển đổi số của Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây. Phó Thủ tướng đánh giá năm 2020 là năm chúng ta được kế thừa những gì đã làm được và có được một cơ hội mới.

Trong giai đoạn hiện nay, thách thức cũng là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiệu quả. Việc chuyển đổi số giúp xây dựng hệ thống dịch vụ công tiện ích, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ số của thế giới.