Tâm dịch Hải Dương đang trở thành ốc đảo?

Ngay sau khi tỉnh Hải Dương công bố thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh do dịch bệnh covid-19, một số tỉnh giáp danh do tâm lý “sợ dịch” đã thắt chặt hơi thái quá việc kiểm dịch bằng việc lập tức ban hành các thông báo dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương. Chính từ những thông báo có phần cực đoan như vậy khiến tất cả các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu có điểm xuất phát từ Hải Dương đều bị dừng ách tại các điểm kiểm soát giáp ranh giữa hai địa phương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu... Điều này làm cho hàng hóa bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng… gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc chống dịch quyết liệt là quan trọng cần thiết, nhưng đừng cô lập Hải Dương thành ốc đảo. Bởi trên thực tế, việc cô lập này không những gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của tỉnh Hải Dương, mà còn ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương là nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành phố khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc ở Hải Dương thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng, thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Bộ Công thương gỡ khó cho nông dân Hải Dương

Trước tình hình khó khăn của Hải Dương, Bộ Công Thương đã có Công văn số 901/BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Triển khai hỗ trợ lưu thông hàng hóa của Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương và hệ thống phân phối thực hiện việc bảo đảm lưu thông hàng hóa và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay.

Đồng thời, chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm COVID-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch COVID-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng (theo quy định tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19) trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Chung tay nỗ lực giải cứu hàng chục nghìn tấn nông sản Hải Dương

Bên cạnh nỗ lực tháo gỡ của cơ quan chức năng, với tinh thần tương thân tương ái, những ngày qua nhiều tổ chức, cá nhân cũng tích cực vào cuộc giúp nông dân Hải Dương vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tại Hà Nội, nhiều cá nhân, tổ chức, nhóm thiện nguyện đã kết nối với các Hợp tác xã Nông nghiệp để thu mua nông sản, sau đó chuyển lên các điểm "giải cứu" ở Hà Nội và được người dân tích cực thu mua.

Chị Ngô Thanh Thủy ở đường Giải Phóng, Hà Nội cho biết: Đau xót trước những thiệt hại mà bà con nông dân Hải Dương phải gánh chịu do dịch bệnh Covid-19, những ngày qua chị đã đứng ra nhận bán hộ nông sản cho bà con ở các hợp tác xã Chí Linh, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Thanh Miện….. Sau 3 ngày kêu gọi “giải cứu”, chị Thủy đã bán được hơn 70 nghìn tấn rau củ quả..

“Chưa bao giờ Hà Nội được ăn rau, củ quả với giá rẻ như vậy. Thế nhưng cũng không phải vì rẻ mà người dân ùn ùn đi mua hàng giải cứu như vậy. Điều ý nghĩa và quan trọng hơn cả là tinh thần sẻ chia và nghĩa “đồng bào” thiêng liêng trong lúc khó khăn nhất để bà con vùng dịch không cảm thấy bị lẻ loi, cô độc”. Chị Ngô Thanh Thủy chia sẻ….

Theo ông Vũ Vinh Phú, trong thời điểm hiện tại, việc chung tay để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân vùng tâm dịch như cách làm của người thủ đô là rất cần thiết. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp nhất thời, manh mún và không bền vững.

Ông Phú cho rằng: Dịch còn diễn biến phức tạp và câu chuyện giải cứu nông sản không dừng lại ở Hải Dương mà có thể lặp lại ở bất kỳ địa phương nào trong tương lai. Bởi vậy thời gian tới rất mong Chính phủ có một chính sách chung, tổng thể và toàn diện để áp dụng rộng rãi chứ không phải mỗi nơi một kiểu như hiện nay.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Về sản xuất hàng hóa thì tất cả phải được tổ chức sản xuất theo quy hoạch, theo lợi thế từng vùng, từng địa phương một cách khoa học, bài bản. Sản xuất ra hàng hóa nếu dư thừa hoặc đang chờ bán thì phải có những kho dự trữ lớn. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu để không bị động, phụ thuộc quá nhiều vào 1 -2 thị trường chính như hiện. “Không để trứng vào một giỏ” chính là giải pháp triệt tiêu những cuộc “giải cứu” nông sản theo kiểu manh mún tồn tại từ nhiều năm nay”.

Mời nghe nội dung cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội dưới đây: