Theo BS Khuất Hải Oanh – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - từ trước đến nay pháp luật Việt Nam rất nghiêm khắc với các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy và hình phạt cao nhất là tử hình. Các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc phát hiện, điều tra, triệt phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn. Tuy nhiên, số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy ngày càng gia tăng kéo theo số người sử dụng ma túy trái phép cũng tăng nhanh. Theo quan điểm của bác sĩ Khuất Hải Oanh, không nên coi người nghiện ma túy là tội phạm mà nên coi là bệnh nhân. “Người nghiện ma túy thường có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nếu như họ được điều trị y tế thì họ ổn. Rõ ràng là chúng ta cần phải can thiệp bằng các biện pháp về chuyên môn y tế, còn nếu như chúng ta có bắt nhốt họ hay là quản lý họ đi chăng nữa thì chúng ta không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.”

Luật Phòng chống ma túy sửa đổi bổ sung một chương riêng về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy đã giúp chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng có thể bao quát, theo dõi và giám sát một cách chặt chẽ người nghiện ma túy trên địa bàn. Đồng thời đây cũng là cơ hội để can thiệp dự phòng nghiện ma túy và các rối loạn tâm thần do ma túy gây ra một cách sớm hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Khuất Hải Oanh cho rằng cùng với biện pháp quản lý hành chính thì giải pháp chủ yếu vẫn là can thiệp về y tế để người sử dụng trái phép ma túy không rơi vào tình trạng nghiện hoặc lệ thuộc vào ma túy.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoảng 15 đến 20% người sử dụng ma túy là nghiện thôi. Về dự phòng và điều trị nghiện có một biện pháp gọi là dự phòng chỉ định tức là dự phòng cho những người đã sử dụng ma túy để cho họ không trở nên nghiện và không có các cái rối loạn về tâm thần. Việc lập hồ sơ hay thống kê người nghiện không giúp giải quyết các nguyên nhân. Vì thế tôi vẫn cho rằng việc quản lý này là một cơ hội nhưng chúng ta dùng cái cơ hội để như thế nào để có thể thực sự giúp người “dính” vào ma túy được can thiệp y tế - đấy mới là vấn đề.” – BS Khuất Hải Oanh nói.

Để triển khai thực hiện Luật Phòng chống ma túy sửa đổi, theo BS Khuất Hải Oanh các ban ngành chức năng cần tập trung xây dựng và phát triển hệ thống và đội ngũ chuyên môn có khả năng tư vấn và thực hiện các can thiệp đã được chứng minh có hiệu quả với người người nghiện ma túy. “Tôi đã gặp rất nhiều người nghiện ma túy người ta muốn từ bỏ lắm nhưng những cái mà chúng ta có hiện nay để giúp cho người ta thì không nhiều. Biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là điều trị bằng Methadone. Đây là chương trình can thiệp rất có hiệu quả, thậm chí là bây giờ người nghiện tự đóng góp một phần kinh phí để điều trị Methadone. Ngoài ra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng có một chương trình đào tạo về tư vấn điều trị nghiện ma túy. Chúng tôi hi vọng những động thái này sẽ được tiếp tục để chúng ta có được một cái chương trình điều trị thật sự là có hiệu quả" .