"Tặng gai cho người tay ta sẽ chảy máu, tặng hoa cho người tay sẽ lưu lại hương thơm. Trên mảnh đất tâm hồn, nếu chúng ta ươm xuống những hạt mầm thiện lương, thì sẽ có một ngày chúng đơm hoa kết trái, và trái ngọt ấy cuối cùng sẽ trao gửi lại tay người đã vun trồng" - Những triết lý nhân sinh này chính là trải nghiệm cuộc đời của doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh - TGĐ Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Ngân Hà, được chia sẻ trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV2.

Phóng viên: Xin chào chị Đỗ Thị Như Quỳnh. Là một phụ nữ, hẳn là cách thức quản lý doanh nghiệp của chị có lẽ cũng rất khác biệt?

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Mọi gia đình đều có đạo đức và phong cách của gia đình riêng thế thì cũng như tôi thì trong một doanh nghiệp cũng có đạo đức riêng. Rất nhiều người làm chủ doanh nghiệp thì người ta có thể ăn to nói lớn được, nhưng với tôi, tôi rất nhỏ bé vì thế tôi lãnh đạo bằng tình yêu thương.

Phóng viên: Chị khiến tôi tò mò quá!

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Ví dụ như cũng có bạn vào Công ty nhưng làm mẹ đơn thân. Đầu năm học, bạn nói con em đi học chị tìm mua xe giúp em thì mình sẵn sàng đi mua. Mình bảo, chị mua hộ và sẽ trừ dần vào lương nhưng mình lại nói với kế toán là tháng nào cũng trả lương đủ cho bạn đó. Có những chị bị tàn tật mà nói thật một tháng làm nếu tính sản phẩm chỉ được 2.000.000 nhưng tôi vẫn trả lương đến 6 - 7 triệu/tháng. Nhiều lần các bạn cấp dưới bảo sếp ơi tại sao không cho nghỉ, nhưng tôi nghĩ rồi, bây giờ chị ý bị tàn tật nếu mình không nhận thì chị sống thế nào, coi như mình giúp một cuộc đời.

Phóng viên: Lãnh đạo bằng tình yêu thương, chị nghĩ đó là thế mạnh hay có khiến chị gặp phải khó khăn hay không?

Doanh nghiệp Đỗ Thị Như Quỳnh: Những doanh nghiệp khác khi mà sai hợp đồng hay là sai bất kể cái gì, sếp có thể đập bàn đập ghế và quát thì với tôi, thời mới làm doanh nghiệp cũng như vậy. Nhưng chính vì sự nóng vội mà đôi khi lại mang đến hậu quả, nhân sự bỏ mình đi, dự án dang dở không ai làm.

Bây giờ mỗi khi stress với một bạn A và B nào đó tôi nghĩ đến điều tốt đẹp nhất, nghĩ đến lúc bạn ấy làm xuất sắc những việc khác. Chúng ta cảm xúc đi lên thì lý trí đi xuống mà.

Như bố mẹ tôi hay dạy, con gặp một người con thấy người đó là chính nhân quân tử hay không, người đó có đủ lương thiện và tử tế trên cuộc đời này không, thì con hãy nhìn cách người đó đối xử với kẻ dưới mình chứ đừng bao giờ nhìn họ đối xử với kẻ trên mình.

Từ đó tôi lãnh đạo bằng tình yêu thương. Nhưng tình yêu thương trong tôi có sự nghiêm khắc và phải có nguyên tắc nhất định. Công ty tôi hiện tại trên cả nước có khoảng 5 công trình thì mỗi một công trình một Giám đốc điều hành riêng nhưng các bạn làm đâu ra đấy và cũng rất nhiều được chủ đầu tư đánh giá là chủ nào thì trò đó và các bạn rất ngoan, ai cũng hiền lành tử tế.

Phóng viên: Chúng ta không nhầm lẫn lòng tốt với sự yếu đuối. Lòng tốt không yếu đuối. Qua những gì chị chia sẻ tôi hiểu, lòng tốt là một sức mạnh. Chị có nói rằng đã từng thất bại nhiều, chị có thể chia sẻ quá trình chị đã từng trải qua và vượt qua như thế nào?

Doanh nghiệp Đỗ Thị Như Quỳnh: Tôi học thiết kế thời trang ở nước ngoài, thầy giáo tôi có dạy là trong bất kể hoàn cảnh nào các chị vẫn chọn lương thiện và hãy làm bằng cánh tay phải của mình, đừng làm bằng tay trái. Nhưng thời gian đầu mở doanh nghiệp thì tôi vẫn làm theo kiểu là lắt nhắt. Tôi làm may nhưng chỉ lãi được 7- 8 triệu thôi. Thế là tôi đi làm thêm những thứ khác và dẫn đến là một chân mình đứng nhiều thuyền. Hậu quả là tiền rải khắp nơi nhưng lại không đúng chỗ thì dẫn đến thất bại thôi. Khi tôi tỉnh ra là năm 2013 và đến giờ tôi hoạt động chuyên về đồ nội thất khách sạn và tôi có một công ty nữa là công ty cây xanh.

Mẹ tôi mất rất khi tôi mới có 28 tuổi. Trước khi mẹ mất, mẹ dặn là bất kể sau này trong cuộc đời con có chịu đắng cay tủi nhục hay chịu bất kể thị phi nào trước tiên con hãy nghĩ về sự lương thiện và tử tế. Và trong tận cùng của đau khổ con vẫn phải sống lương thiện cho mẹ thì chắc chắn trời Phật không bao giờ để con thiệt và con sẽ được tỏa sáng.

Và đúng như vậy…

3 năm vừa rồi dịch Covid-19 mà bạn biết tôi làm nghề khách sạn, tôi nói thật là doanh nghiệp tôi gần như là đóng cửa. Tôi đã phải bán đất đi để trả lương cho nhân viên.

Tôi nhớ nhất năm 2020, khi đó bắt đầu dịch, nhân viên đang trong công trường tại một cái khách sạn ở Hạ Long và 1 cái nữa là 3.000 phòng ở Quy Nhơn. Tất cả nhân viên bị phong tỏa, 4 -5 công trình đóng băng hết. Lúc đó tiền không về, tôi không biết làm thế nào.

Cái mảnh đất đấy lúc trước người ta trả tôi tới 6 - 7 tỷ mà cái thời điểm dịch tôi chấp nhận bán 1,8 tỷ để lấy tiền. Nhưng tôi bán đất mảnh đất ấy không hề một ai biết và tôi cũng quyết định là một mũi tên trúng ba đích.

Lúc ấy là khẩu trang y tế chưa có nên tôi cho may khẩu trang vải và quần áo chống dịch cho bác sỹ. Điều này, thứ nhất công nhân của tôi vẫn có việc để làm, các bạn vẫn có tiền để sống và tôi đem được những bộ quần áo đó những cái khẩu trang đó phát khắp nước. Đợt phát khẩu trang chống dịch, tôi là 1 trong 5 người được Chủ tịch nước tặng bằng khen.

Đến năm 2021 lại dịch, tôi lại phải bán một mảnh đất tiếp. Thế là 2 năm dịch đi luôn hai mảnh đất. Thật ra lúc đấy tôi nghĩ rằng dịch bệnh như này thì liệu mình giữ đất giữ nhà với bao nhiêu nhân viên của mình chết đói thì mình có lương tâm mà giữ không và tôi còn phát gạo tại cửa nhà. Tôi phát khoảng 5 tấn gạo ngay cửa nhà và cả rau. Một số bạn nhân viên không về quê được cũng cùng tôi phát. Đấy là sự lương thiện và tử tế.

Đến bây giờ thì sau thời gian dịch bệnh đó, tôi lại mua được nhà, tôi lại mua được đất thì đúng là cuộc đời mình gieo mầm tử tế, gieo sự thiện lương thì đâu đó trời phật hay gọi là vũ trụ sẽ trả lại mình cái đó.

Phóng viên: Nghe chị chia sẻ, tôi càng cảm nhận sâu sắc câu nói “không ai nghèo khó vì cho đi cả”. Bằng cách nào chị vẫn có thời gian, thậm chí dành được nhiều thời gian để đến những nơi tận cùng của sự nghèo khó và san sẻ những gì mình có cho mọi người, thưa chị?

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Tôi trao quyền cho cấp dưới của mình. Tôi trao quyền và trao cả niềm tin. Chỉ khi nào lãnh đạo tin ở nhân viên và trao quyền thì mới giải phóng được người quản lý và thế là tôi có thời gian để làm những việc xã hội.

Khi có tiền người ta sẽ mua điện thoại xịn dùng đồ hiệu nhưng với tôi thì cái đấy nó là xa xỉ. Tôi chỉ có một cái túi để dùng và không cần phải bộ quần áo quá xịn hay là hàng hiệu, tôi mặc được là được. Còn những đồng tiền đó tôi sẽ dành cho những mảnh đời bất hạnh. Mẹ tôi mất sớm, chúng tôi cũng phải lăn lộn. Tôi hiểu sinh ra trên cuộc đời này ai cũng đều có sứ mệnh riêng. Có ai sống được 200 tuổi đâu. Chúng ta sống cuộc đời rất ngắn thế thì tại sao chúng ta làm những việc có ý nghĩa.

Có một bạn sinh viên ở nhà tôi từ năm 2003, bạn ở Hải Phòng. Tôi còn nhớ như in hôm đó tôi đi làm về, tôi thấy hai mẹ con không thuê được nhà thì cho bạn lại một đêm. Tôi hỏi ra thì hoàn cảnh gia đình rất là khó khăn, bạn ấy học trường đại học giao thông và tôi quyết định cho bạn ở lại nhà tôi 5 năm trời. Sau này, mỗi tháng một chút để cho bạn không tự ti. Tôi biết bạn không hề có cơm ăn bao giờ nấu cơm tôi cũng nấu dư thức ăn và đi làm để lại. Đến bây giờ bạn ấy là một người thành đạt và bạn đã xây con đường cao tốc ở Hà Nội - Hải Phòng. Bạn ấy nói là nếu không có chị, em không có cuộc đời ngày hôm nay.

Có một cô bé xuống Hà Nội đi làm và chẳng may có bầu, tôi đã đem về nhà tôi ở. Tôi giấu hết mọi người để bạn được sinh em bé ra. Tôi nhớ khi bạn ấy sinh ở Bệnh viện TWQĐ 108, mọi người đều nghĩ tôi là bà ngoại và hỏi thế con chị tên là gì. Tôi không muốn nói thật thế là lúc gặp bác sỹ mắng tôi xối xả, bảo sao đến tên con còn không biết. Tôi không nói lại, một lúc sau tôi nói: Em nói thật với chị đây không phải là con em, em mới mang bạn ý về ở nhà em khoảng 3 tháng vì bạn ý muốn bỏ cái thai và bạn không còn nơi nơi để đi. Bác sỹ mới hỏi: là người ngoài tại sao khi mà phụ nữ đẻ phải lau chùi tất cả mọi thứ chị lại làm được. Có gì đâu cứ nghĩ rằng nó là con mình đi, tôi trả lời và bác sĩ cười phá lên, trả lại tất cả các khoản tiền viện phí của bạn ý.

Phóng viên: Có lẽ chính vì những cảm xúc tuyệt vời này mà chị - bên cạnh việc quản lý tốt doanh nghiệp của mình còn thực hiện nhiều hoạt động xã hội, vì cộng đồng khác nữa. Tôi nghe nói chị có một biệt danh là Quỳnh xây cầu vì chị đã xây được nhiều cây cầu trên đất nước Việt Nam?

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Tôi đã làm được mấy chục cây cầu rồi: Yên Bái Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang trong Nghệ An, Nghệ An … rất nhiều tôi không nhớ hết được. Nếu nói tôi làm là không đúng mà là tất cả mọi người cùng làm. Vì một cây cầu thấp nhất thì nó cũng phải mấy trăm triệu còn cây cầu cao nhất tôi làm với mức từ thiện đã là 3 tỷ rồi thì nếu Nhà nước mình xây phải cao hơn rất nhiều. Bởi vì từ thiện thì tất cả từ bên xây dựng cũng đều phải từ thiện.

Phóng viên: Chị có thể chia sẻ nhiều hơn những kỷ niệm trên những cung đường xây cầu tại những nơi khó khăn nhất của đất nước?

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Khi quyết định làm cầu ở huyện Con Cuông – Nghệ An, thì trước đó có một cái thuyền chở mười mấy học sinh bị lật và cùng chết. Tôi đã quyết định gọi chị Giang, anh Trương Minh Tuấn (Chủ tịch của Công ty Thăng Tiến), anh Hà là chúng mình vào để làm cầu đi.

Tại sao tôi hay xây cầu với xây trường nhiều hơn vì có hôm tôi đi khảo sát, thấy sáng các bạn đi học cởi quần áo vắt lên cổ để đi qua suối vì các bạn sợ ướt quần sang sông không có quần áo vào lớp học. Một đất nước đầu tiên là phải có trí tuệ, phải có sự học, vì thế khi tôi làm cầu thì rất nhiều trẻ con sẽ được đến trường.

Tôi nhớ có 1 cụ già mù vẫn bắt con cháu dẫn ra để đích thân sờ tay vào cây cầu. Cụ nói, bây giờ ông gần đất xa trời, đã thấy được cây cầu, đây là niềm mong muốn lớn nhất. Nhìn những nụ cười trong nước mắt, sự rạng rỡ đó, tôi thật sự thấy ấm lòng và tôi thấy cuộc đời của tôi sống trên cuộc đời này mới thật sự ý nghĩa, chứ không phải tôi có bao nhiêu cái nhà, tôi có bao nhiêu công ty, tôi bao nhiêu cái xe.

Khi chúng tôi xây cây cầu trên huyện Bắc Quang - Hà Giang, có một bà ra ôm tôi bảo cảm ơn. Con trai bà hôm đi sang nhà vợ về thì đi qua con suối này bị lũ cuốn trôi, gần một tuần sau mới tìm thấy xác. Thế nên khi xây cây cầu này bà ôm tôi khóc nức nở.

Phóng viên: Như chị nói, chị không làm những việc này một mình. Phải chăng lòng tốt như bông hoa thơm đã lan tỏa?

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Tôi muốn lan truyền sự lương thiện và sự tử tế này đến với tất cả những doanh nghiệp. Đôi khi chỉ cần một bữa nhậu thôi, một cuộc chơi thôi thì đôi khi cứu giúp được rất nhiều mảnh đời trên cuộc đời này. Vừa rồi có một người bạn chơi với tôi cũng rất lâu rồi. Nhưng mỗi lần từ thiện toàn bảo chắc mày chỉ bị hâm rồi, không có ai đi khắp đất nước để làm cầu với làm trường, xây đường cả. Nhiều tiền để đó mà ăn chơi. Nhưng lần vừa rồi tôi đã rủ được bạn đi làm cầu và bạn tài trợ chính một cây cầu. Đến bây giờ việc xây cầu của tôi đã lan tỏa rất nhiều người biết, rất nhiều người gọi điện đến để được chung tay.

Phóng viên: Nhiều người nói rằng, các anh chị là doanh nghiệp, giàu có, làm gì cũng được, những việc làm thiện nguyện cũng nằm trong tầm tay. Phải chăng giàu có thì mới có thể làm việc thiện được?

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Không đúng đâu. Chúng ta chỉ cần nở một nụ cười với một người khác cũng là làm việc thiện. Hay gặp một ai đó mình cúi đầu chào cũng là một việc thiện rồi. Làm việc thiện không phải giàu có mới làm. Nếu người nào có 100 tỷ thì người ta bỏ 1 tỷ là chuyện bình thường nhưng mình chỉ có 1 tháng 10.000.000 tiền lương chỉ cần bỏ 100.000 với 10.000 thôi mà. Không định giá về tiền là cao hay thấp mà định giá cái tâm mình cho đi và đừng bao giờ đợi đến giàu có mới làm thiện. Chúng ta cho đi lời nói ví dụ chẳng may va chạm một ai đó, mình cứ cãi nhau, sấn sổ lên thì ngược lại mình xin lỗi người ta, vui vẻ tự nhiên lại thêm một bạn thêm bạn bớt thù. Mầm thiện từ đó sẽ được nảy ra.

Phóng viên: Khi chị nói đến câu chuyện là mỗi người chúng ta bằng cái sự thiện tâm trong lòng thì đều có thể đóng góp sức mình đúng giờ để chia sẻ những cái gì mình có tôi có nhớ đến câu chuyện một anh xe ôm Giáp Bát, anh sẽ không lấy tiền với tất cả những trường hợp nào ốm đau và đi đến bệnh viện khám. Hay một anh ở cầu Chương Dương cứ hễ gặp ai bị thủng săm bị hết xăng là giúp đỡ. Những câu chuyện rất nhỏ rất bình dị thôi, nhưng mà nó góp cho cuộc sống của chúng ta nó đẹp hơn rất nhiều.

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Mọi người cứ nghĩ là làm thiện là làm một cái gì đó rất là xa xỉ. Đâu có xa xỉ, rất là nhỏ nhặt, rất đơn giản với tất cả mọi người từ một anh xe ôm, một người đánh giày, một người bán dạo hay một người làm vệ sinh đều có thể làm được, hay kể cả những người làm công nhân bình thường. Tôi thấy rằng mấy năm trở lại đây từ sau đại dịch Covid-19, thật sự là con người ta sống thiện lương hơn tử tế hơn và biết yêu thương mọi người hơn và đâu đó cho người ta sống chậm lại.

Phóng viên: Trò chuyện với chị từ đầu chương trình tới giờ, tôi cảm nhận từ vóc dáng nhỏ bé của chị tỏa ra một năng lượng hàm chứa sự mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng rất cảm xúc.

Doanh nhân Đỗ Thị Như Quỳnh: Tôi là một phụ nữ có thể ở ngoài nhìn có thể là yếu đuối nhẹ nhàng, nhưng tôi làm cái gì thì rõ ràng. Tôi đã làm là tôi làm bằng được thì thôi. Bởi vì với tôi, áp lực tạo kim cương. Ở đâu đó, những đắng cay tủi nhục và tất cả những mất mát có thể hôm nay tôi không chia sẻ nhưng chắc là không ai nếm nhiều như tôi, tôi hiểu được giá trị cuộc đời này và mọi thứ thì mọi bước đi của tôi đều lộ trình và rõ ràng hết.

Không có hương hoa nào bay ngược gió cả, với tình yêu thương, chỉ có tình yêu thương mới xóa nhoà đi màu da sắc áo và chỉ có tình yêu thương mới xóa đi khoảng cách giữa người giàu - người nghèo. Tình yêu thương là một điều cực kỳ diệu.

Những việc tôi làm như thế thì tôi cũng không phải để mình lấy cái gì cả và quan trọng là tâm mình được thoải mái và ước nguyện của tôi là cứu giúp được các mảnh đời trên cuộc đời. Làm được như vậy thì thấy mình sống có ý nghĩa hơn và từ khi mình cứ làm thiện thì mình lại không thấy ốm đau. Con gái mình cũng không ốm đau và có thể vũ trụ sẽ hiểu được thông điệp của mình chẳng hạn, thì cũng cho mình sức khỏe, cho mình sự bình yên, cho mình những công việc thật tốt thì để mình còn có tịnh tài.

Xây cầu, xây trường và mình giúp đỡ người này người kia nữa thì là mình đang gieo nhân thiện. Cũng giống như mình gieo hạt, lúc hái quả sẽ ra quả ngọt thôi.

Tôi tin dù bất kể trong hoàn cảnh nào, dù tận cùng đau khổ, vẫn phải chọn sự thiện lương thì chính cái đó đến bây giờ thì đi bất kể đâu tôi có bao giờ phải đề phòng.

Phóng viên: Vâng, ta sống bằng thứ ta thu được, nhưng ta tạo ra cuộc đời bằng thứ ta cho đi. Cảm ơn chị Như Quỳnh về cuộc trò chuyện này!

Nghe âm thanh tại đây: