Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá sử dụng hiệu quả mạng xã hội để ứng phó với dịch COVID-19. Thực tế ở nước ta thời gian qua, Bộ Y tế, Chính phủ đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phát đi những thông tin nóng hổi nhất, phổ biến những kiến thức cần thiết, kịp thời truyền đi cảnh báo, tuyên truyền về cách ứng phó với virus nguy hiểm, đồng thời phát đi nhiều thông điệp ý nghĩa nhằm nâng cao tinh thần, ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Theo TS Phạm Hải Chung, Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội thì mạng xã hội là một trợ thủ đắc lực trong cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta. Nhiều chuyên gia truyền thông trên thế giới đã chỉ ra rằng một trong những bí quyết thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid ở những làn sóng trước đây là bởi chúng ta có một sự minh bạch thông tin rất tốt và Việt Nam biết tận dụng những thế mạnh của mạng xã hội để kêu gọi sự đồng lòng của người dân tham gia vào các biện pháp phòng chống dịch.

Có thể nói với sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi và thu hút số lượng người dùng đông đảo, mạng xã hội đang trở thành một kênh truyền thông hiệu quả, cập nhật các diễn biến của dịch bệnh, cũng như cách phòng, chống COVID-19.

TS Phạm Hải Chung cho rằng chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo thông qua mạng xã hội là một trong những yếu tố giúp Việt Nam đến giờ phút này có thể tạm gọi là thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nhiều chương trình của Bộ Y tế như gần đây nhất phát động chiến dịch thay ảnh đại diện (avatar), ảnh bìa (cover) đồng thời trên các nền tảng mạng xã hội của cá nhân: Facebook, Lotus, Zalo... với chủ đề: “Đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch Covid-19”. Hoạt động này nhằm kêu gọi người dân đồng lòng nêu cao tinh thần yêu nước và thực hiện các khuyến cáo phòng chống dịch.

Không chỉ là phổ biến kiến thức, cập nhật thông tin để kịp thời truyền đi cảnh báo cũng như phát đi nhiều thông điệp ý nghĩa, mạng xã hội còn góp phần lan tỏa những tấm gương, hành động đẹp vì cộng đồng. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng không khác gì con dao hai lưỡi khi đây cũng chính là nguồn phát tán nhiều tin giả, sai sự thật về dịch bệnh. Theo TS Phạm Hải Chung thì điều này sẽ gây ra sự hoang mang, lo lắng trong người dân và muốn chống dịch hiệu quả, chúng ta cũng cần phải chống tin giả trên mạng xã hội.

Cập nhật nhanh chóng diễn biến dịch bệnh trên cả nước với số ca nhiễm; chia sẻ các thông báo, văn bản chỉ đạo của địa phương cùng vô số các hoạt động khác nữa mang tính lan toả cộng đồng… có thể thấy mạng xã hội đã và đang đóng vai trò đáng kể trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19.

Và chúng ta – mỗi người cần thể hiện trách nhiệm, làm sao để phát huy hiệu quả tích cực cũng như kiểm soát mặt trái của mạng xã hội. Trước khi chia sẻ hay bình luận, mỗi người hãy là một công dân số có trách nhiệm với thông tin của chính mình cũng như biết cách sàng lọc để tiếp cận được với các thông tin chính thống. Đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần giúp nước ta sớm đẩy lùi được dịch bệnh.

Mời nghe âm thanh cuộc trò chuyện giữa PV VOV2 và TS truyền thông Phạm Hải Chung tại đây: