Kết quả chung cuộc, giải nhất toàn đoàn được trao cho Khoa Kinh tế, Trường ĐH Mở Hà Nội. Giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về Khoa Tiếng Anh và Khoa Du lịch.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao các giải cá nhân cho các sinh viên thuộc Khoa Công nghệ thông tin, Tạo dáng Công nghiệp, Khoa Tiếng Anh và Khoa Luật. Video truyền thông có điểm cao nhất thuộc về Khoa Du lịch.

Học tiếng Anh qua phim ảnh, ca nhạc

Mặc dù đánh giá gặp nhiều “đối thủ” đáng gờm ở vòng chung kết, song tâm lý vững vàng đã giúp Trần Thu Linh - sinh viên Khoa Tạo dáng Công nghiệp giành giải Nhất cá nhân môn Tiếng Anh. “Em tin tưởng vào kiến thức và khả năng của bản thân sau đó là các yếu tố khác như trình bày nội dung bài thi. Tâm lý là yếu tố quan trọng nhất để giành chiến thắng”, Linh nói,

Tự tin trình bày bài thuyết trình và trả lời trôi chảy phản biện từ ban giám khảo bằng Tiếng Anh, Thu Linh chia sẻ bí quyết trau dồi ngoại ngữ: “Mỗi người học tiếng Anh phải có tâm thế cởi mở với ngôn ngữ này, có niềm yêu thích thì mới tiếp nhận được. Bên cạnh đó, em tìm hiểu nhiều nguồn khác nhau, không chỉ trên sách vở mà còn qua những hình thức giải trí như phim ảnh, ca nhạc”, Linh cho biết, vốn tiếng Anh của em đa số đến từ phim ảnh, truyện và những bài báo em được đọc.

Thu Linh là nhân tố gây bất ngờ tại cuộc thi bởi không phải đến từ Khoa Tiếng Anh mà là sinh viên của Khoa Tạo dáng công nghiệp. Nắm bắt được tầm quan trọng của tiếng Anh trong quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp, Linh nói rằng, tiếng Anh có thể giúp em tìm hiểu thêm tài liệu, hình ảnh mà nguồn tư liệu trong nước chưa cập nhật. Thêm vào đó, ngôn ngữ này có thể giúp em mở rộng vòng bạn bè, tìm kiếm cơ hội ở những doanh nghiệp nước ngoài, trau dồi kiến thức cho bản thân.

Ở hạng mục Tin học, Tống Tâm Xuân – sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin xuất sắc giành giải Nhất cá nhân. Xuân cho biết, thách thức lớn nhất với em tại vòng chung kết đó là việc tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, video bổ trợ cho bài thuyết trình khá khó khăn. Tuy nhiên, các đồng đội mảng tiếng Anh đã hỗ trợ em nhiệt tình để hoàn thành tốt nhất bài thuyết trình. Điều quan trọng nhất để thành thạo kỹ năng tin học, theo Xuân là phải thực hành nhiều để không quên kiến thức đã học.

Cuộc thi Olympic Tin học, Tiếng Anh không chuyên lần thứ 13 năm 2024 thu hút hơn 1000 thí sinh tham gia sơ loại. Từ 240 thí sinh tham gia ở vòng loại cấp trường được tổ chức hôm 21/4, ban tổ chức đã chọn ra 20 thí sinh lọt vào vòng chung kết.

Vòng Chung kết bao gồm 2 phần thi: Phần thi đồng đồng đội mang tên “Đấu trí” và phần thi “Tỏa sáng” dành cho các cá nhân.

Ở phần thi đấu trí Các đội thi sẽ cùng lúc trả lời 15 câu hỏi nội dung về tin học và 15 câu hỏi nội dung về Tiếng Anh. Thời gian đặt câu hỏi và trả lời là 30 giây/ 1 câu.

Ở phần thi "Tỏa sáng", từ 20 thí sinh lọt vào vòng chung kết, ban tổ chức thành lập 10 đội thi, mỗi đội sẽ có 1 thí sinh dự thi môn Tiếng Anh, 1 thí sinh dự thi môn Tin học. Trước đó một ngày, thí sinh có thời gian thu thập thông tin, dữ liệu để phục vụ cho chủ đề của mình. Các thí sinh chỉ được sử dụng những tư liệu đã nộp lại cho ban tổ chức. 10 đội trình bày theo chủ đề của ngày hôm trước, 5 đội bốc thăm bảo vệ quan điểm, 5 đội phản đối quan điểm đối kháng theo cặp thi, mỗi đội sẽ có tối đa 5 phút để trình bày phần dự thi thuyết trình sau đó 2 đội sẽ thi đối kháng. Mỗi đội được đặt ra 2 câu hỏi cho đội còn lại để trả lời. Tổng thời gian là 10 phút đối kháng.

2 kỹ năng quan trọng để hội nhập và làm việc trong kỷ nguyên số

Theo TS Trương Tiến Tùng, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, giám khảo cuộc thi: ngoại ngữ, tin học là chìa khoá để mở cửa hội nhập cho sinh viên. Năm nay các thí sinh thật sự quá xuất sắc, ngang tài ngang sức. Tuy chấm ở thang điểm 100 nhưng ban giám khảo phải rất cân nhắc vì chỉ cần chấm cao hơn 1 chút hay thấp hơn 1 chút là kết quả hoàn toàn có thể bị thay đổi. Mong rằng, cuộc thi ngày càng lan toả sâu rộng và có nhiều đổi mới, hấp dẫn hơn nữa; từ đó tạo động lực trong học tập, nghiên cứu của người học. “Các em có quyền tự hào về mình và không được tự ti” - TS Trương Tiến Tùng nhắn nhủ.

Tại lễ trao giải Cuộc thi Olympic Tin học, Tiếng Anh không chuyên lần thứ 13, TS. Dương Thăng Long - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội khẳng định, Trong thế giới ngày nay, kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế không chỉ là một xu hướng mà còn là một thách thức, mỗi chúng ta và mọi quốc gia trên toàn thế giới đều phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, năng lực Tin học và Tiếng Anh đã được xác định rõ các yêu cầu trong giáo dục và đào tạo thông qua khung trình độ quốc gia, chuẩn của các chương trình đào tạo và được cụ thể hóa ở các trường đại học nói chung và Trường ĐH Mở Hà Nội nói riêng. Sinh viên không chỉ được học tập và phát triển năng lực ở các chương trình đào tạo, mà còn được tham gia nhiều sân chơi trí tuệ, và Cuộc thi Olympic Tin học, Tiếng Anh không chuyên là một trong số đó, nhằm khuyến khích, rèn luyện và phát triển kỹ năng, giúp cho sinh viên trở thành những công dân toàn cầu được trang bị kiến thức và năng lực cần thiết để thành công trong xã hội ngày nay.

Trong cuộc thi này, sinh viên không chỉ được thách thức kiến thức về tin học và tiếng Anh, mà còn phải thể hiện khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và giao tiếp hiệu quả trong môi trường công nghệ phát triển mạnh mẽ, đa văn hóa và ngôn ngữ. Điều này không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng cá nhân mà còn tạo cơ hội để hiểu rõ hơn về sự đa dạng văn hóa và giá trị của sự hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng là cơ hội để sinh viên thể hiện và phát huy tài năng của mình, xây dựng lòng tự tin, niềm tự hào về bản thân và những giá trị cốt cách của chính mình.

Nhấn mạnh vai trò của Tin học và Tiếng Anh trong kỷ nguyên 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, TS. Dương Thăng Long nhắn nhủ sinh viên tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện, lan tỏa tinh thần này đến các bạn bè, cùng nhau tạo dựng một hành trang giàu kiến thức, dồi dào kỹ năng để tự tin tham gia vào thị trường lao động nhiều cạnh tranh gay gắt và khắc nghiệt./.