Giao dịch trực tuyến là một tiến bộ của khoa học công nghệ, nhưng vấn đề là kiểm soát, sử dụng nó theo hướng nào là chuyện cần bàn, khi mà việc quản lý chất lượng hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử đang có quá nhiều bất cập.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hoạt động giao dịch qua sàn thương mại điện tử đang là phương thức kinh doanh phổ biến, làm thay đổi nhiều cách thức mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng hàng hóa đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức bởi tình trạng hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo an toàn thực phẩm tràn lan, khó kiểm soát.
Hàng giả tràn ngập sàn thương mại, người tiêu dùng lo lắng
Trong thời đại bùng nổ của thương mại điện tử và livestream bán hàng, với giá cả phải chăng, các sản phẩm, hàng hoá trên sàn thương mại điện tử đã như một thứ ma thuật lôi cuốn người tiêu dùng. Thế nhưng giá rẻ đôi khi lại đánh đổi bằng sức khỏe, sự an toàn người tiêu dùng. Bởi thực tế trên các sàn thương mại điện tử, rất nhiều sản phẩm gia công trôi nổi không qua kiểm định, thậm chí được pha trộn hóa chất độc hại hay thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần, quy trình sản xuất. Và vô hình trung các sàn thương mại điện tử trở thành "mảnh đất màu mỡ" để hàng giả lan truyền nhanh chóng và công khai, gây hoang mang, lo lắng, mất niềm tin với người tiêu dùng.

Chị Phan Huyền Trang ở Thành phố Hải Dương cho biết, do công việc bận rộn nên chị thường xuyên lựa chọn mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Mua sắm ở đây không những giá cả phải chăng, tiện lợi mà các sản phẩm còn đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú, rất dễ lựa chọn theo ý mình. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi nghe tin các cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt vụ việc mỹ phẩm giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, khiến chị Trang hết sức lo lắng.
“Mình luôn lựa chọn những shop có nhiều lượt bán nhưng khi mọi thứ đều có thể làm giả được, mình chột dạ nghĩ rằng như vậy thì những thứ mình mua trước đây liệu có thật không”. Theo chị Trang, khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử lúc nào người bán hàng cũng quảng cáo hàng chất lượng, phát hiện hàng giả đền 100 lần, nhưng thực tế khi xảy ra người tiêu dùng cũng chẳng biết “ăn vạ ai”, thậm chí còn có tâm lý ngại tố cáo đến cơ quan chức năng.
Theo anh Nguyễn Văn Huy ở Hà Nội, người tiêu dùng đang phải tự bơi, tự bảo vệ mình trong một ma trận hàng thật, hàng giả lẫn lộn. “Mình bước vào một ma trận nhiều sản phẩm như thế thì bản thân người tiêu dùng không thể tự kiểm nghiệm, đánh giá được”. Trước những lo lắng này, anh Huy mong muốn cơ quan chức năng siết chặt quản lý để tạo niềm tin, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Định danh người bán hàng trên sàn thương mại điện tử, hàng giả có còn đất sống?
Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình khoảng 25%/năm, thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á. Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện tại đã vượt ngưỡng 61 triệu người với giá trị mua sắm trực tuyến vào khoảng 336 USD/người/năm. Đây cũng là lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc giao dịch trực tuyến là một tiến bộ của khoa học công nghệ, nhưng vấn đề là kiểm soát, sử dụng nó theo hướng nào là vấn đề cần phải đánh giá lại, khi mà việc quản lý chất lượng hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử đang có quá nhiều bất cập. Ông Trung dẫn chứng lại vụ sữa giả mà lực lượng công an vừa phát hiện cho thấy, khi nhà nước quy định để các doanh nghiệp là tự công bố chất lượng sản phẩm thì khác gì “mẹ hát con khen hay”. Đây là một lỗ hổng pháp lý rất lớn đang tồn tại.
Bên cạnh đó do tính chất đặc thù của thương mại điện tử khi người mua và người bán không gặp mặt và chỉ liên lạc trên môi trường mạng, cũng tạo điều kiện cho hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. “Trên các sàn thương mại điện tử, thông tin về người bán chủ yếu do họ tự cung cấp, mức độ tin cậy của những thông tin này rất thấp, bởi người bán có thể tạo các tài khoản ảo, mượn giấy tờ của người thân để né tránh biện pháp xử lý cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra”. Theo ông Trung, thực tế này đã tạo ra một môi trường giao dịch thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng.

Có thể nói, thương mại điện tử đã tạo ra một xu thế mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với sự thay đổi liên tục của công nghệ khiến các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa trong môi trường này ngày càng tinh vi, với nhiều mô hình mới, có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức khó phát hiện, xử lý hơn.
Trong bối cảnh đó, ông Vũ Văn Trung cho rằng, để quản lý chặt chẽ chất lượng các mặt hàng, nhất là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để kiểm soát thị trường và "đầu vào" của hàng hóa. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý phù hợp tình hình thực tế, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe mới có thể làm trong sạch môi trường kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, ông Trung cũng đề xuất, việc cần thiết lập bộ lọc gỡ bỏ sản phẩm vi phạm. Đặc biệt, sớm định danh người bán hàng trên sàn thương mại điện tử qua VneID để góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Hiện nay người bán chỉ cần có một địa chỉ email cũng như một tên cửa hàng là có thể tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử. "Vậy nên, nếu không xác định được người bán là ai thì việc giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ rất phức tạp”, ông Trung nêu quan điểm.
Rất nhiều chuyên gia cũng đồng tình quan điểm này và cho rằng, khi được định danh, có những người bán hàng tin cậy thì niềm tin của người tiêu dùng sẽ được nâng cao. Có định danh thì việc kiểm soát thông tin người bán cũng dễ dàng hơn, thậm chí khi phát hiện hàng giả, hàng nhái có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin và tháo gỡ sản phẩm, hàng hóa trên gian hàng điện tử.
Ứng dụng “Người tiêu dùng”, bước đột phá trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Với mục đích giúp cho người tiêu dùng dễ dàng, thuận tiện để tiếp cận với các quy định, chính sách của Nhà Nước cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mới đây Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã triển khai Ứng dụng "Người tiêu dùng". Đây là ứng dụng trên thiết bị di động, máy tính bảng đầu tiên mà Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam triển khai.
Ứng dụng giúp cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và người ít có cơ hội tiếp cận với những quy định, chính sách, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được Nhà nước bảo vệ.

Trong giai đoạn đầu, ứng dụng "Người tiêu dùng" cung cấp 10 nhóm tính năng chính, bao gồm: Tư vấn và Khiếu nại; Khảo sát bình chọn; Cảnh báo người tiêu dùng; Hàng chính hãng; Cẩm nang pháp luật; Tra cứu sản phẩm; Khuyến mãi; Tin tức; Phản biện chính sách; Hoạt động Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Ứng dụng thiết lập kênh tương tác 2 chiều về khiếu nại, tư vấn khiếu nại; cung cấp thông tin tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cung cấp các công cụ, tiện ích hướng tới minh bạch thông tin; cung cấp cho doanh nghiệp kênh chính thống thông báo về hàng chính hãng; hệ thống bình chọn, khảo sát cho doanh nghiệp. Đồng thời, là cầu nối trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà xuất khẩu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Tại ứng dụng này, người tiêu dùng cũng có thể nhận được các quà tặng, voucher… từ doanh nghiệp.
"Trong thời gian tới, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe thông tin phản hồi, góp ý của người tiêu dùng, để cập nhật, nâng cấp, liên kết với các đơn vị, tổ chức, hoàn thiện thêm các dịch vụ, tính năng, tiện ích đem lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng", ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ 15/5 đến 15/6, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.
Thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng, thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,...
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về kết quả đợt cao điểm của các đơn vị, lực lượng chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.