“Anh trai say hi” concert 6 vừa diễn ra ở Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đầy cảm xúc… đánh dấu đêm cuối trong chuỗi concert (đêm hòa nhạc) ăn khách nhất tại Việt Nam.
Có thể nói, nối dài chuỗi thắng lợi, hai chương trình truyền hình thực tế “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” tiếp tục có những concert bùng nổ trong năm nay. Cùng với các màn trình diễn âm nhạc mỗi đêm, chương trình còn có hoạt động ngoài lề thu hút khán giả và du khách. Phim tài liệu về “Anh trai say hi” ra rạp cũng đạt doanh thu 15,4 tỷ đồng, trở thành bộ phim concert Việt Nam có doanh thu cao nhất. Phim điện ảnh “Anh trai vượt ngàn chông gai” dự kiến cũng sẽ ra mắt tại hệ thống rạp trong tháng 5 này.
Qua tổ chức thành công các sự kiện âm nhạc quy mô như “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Chị đẹp concert”, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Yeah1 Nguyễn Xuân An cho rằng, để những sự kiện nghệ thuật tầm cỡ có thể diễn ra thường xuyên, bài bản và bền vững, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành, nhằm xây dựng một môi trường tổ chức thuận lợi, rõ ràng về quy hoạch và thủ tục. Trong đó, “bài toán” về địa điểm là yếu tố then chốt, không chỉ giúp bảo đảm điều kiện tổ chức tối ưu, mà còn mở ra cơ hội đưa concert Việt vươn tầm khu vực, thu hút nghệ sĩ quốc tế, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển liên ngành.
"Khâu tìm kiếm địa điểm luôn là điều khiến chúng tôi phải trăn trở. Địa điểm giúp ích không chỉ những sự kiện quốc nội mà còn là cơ hội thuận tiện cho các nghệ sĩ ở nước ngoài đến đây, chọn Việt Nam để tổ chức những concert lớn… Điều kiện địa điểm là một bài toán mà chúng ta phải hóa giải để tạo cơ hội, thúc đẩy phát triển nền âm nhạc nước nhà", ông Nguyễn Xuân An kiến nghị.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo ở thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hàng năm – Lễ hội âm nhạc cộng đồng lớn nhất Việt Nam, tuy là sự kiện miễn phí nhưng có sức hút hàng chục nghìn khán giả, cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ…
Rõ ràng, công nghiệp âm nhạc đang phát triển mạnh mẽ, song vẫn chưa xứng với tiềm năng. Tổng Giám đốc Vietfest (đơn vị tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo - Hozo music festival) Phạm Minh Toàn nhận định, Việt Nam còn khó khăn về cơ sở hạ tầng để tổ chức các sự kiện âm nhạc quy mô lớn. "Mặt khác, trong lĩnh vực âm nhạc, cần phải hướng đến kinh doanh được để giúp nhà sản xuất và nghệ sĩ kiếm được tiền. Tuy nhiên, hiện tại các hoạt động âm nhạc đang làm miễn phí nhiều, chưa có thói quen bán vé vì một số lí do như phát triển du lịch, truyền thông...".
Cũng theo ông Phạm Minh Toàn, rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài khi được liên hệ mời tham gia lễ hội âm nhạc quốc tế Hozo đều quan tâm về chính sách bán vé như thế nào. "Họ không thích diễn free. Sản phẩm lao động họ muốn được bán vé, khán giả phải trân trọng bỏ tiền mua vé tới thì nghệ sĩ mới ưu tiên biểu diễn. Đó là mấu chốt để thay đổi quan điểm, muốn ngành công nghiệp âm nhạc phát triển thì phải bán được vé".

Theo nhiều chuyên gia về công nghiệp văn hoá, ngành công nghiệp sáng tạo hay văn hoá nói riêng cần có chính sách đặc thù riêng về thuế vì hiện nay theo các đơn vị việc làm văn hoá rất khó có lời, thậm chí lỗ trong vài năm, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ kiên trì nguồn lực để theo đuổi, nên rất cần sự chung tay củan Nhà nước. Bên cạnh đó, chiến lược quốc gia cũng rất quan trọng để các đơn vị bám vào và đi theo.
Vấn đề bảo hộ bản quyền tác phẩm âm nhạc hiện cũng đang là thách thức lớn ở nước ta, nhất là khi nền tảng số phát triển mạnh như hiện nay. Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nền tảng số là một trong những kênh phân phối quan trọng của âm nhạc hiện đại, nhưng việc định danh chủ thể quyền, cấp phép sử dụng và thu tiền bản quyền vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, các hình thức vi phạm như hát, phát lại không xin phép, chèn nhạc nền không rõ nguồn gốc đang gia tăng mà chưa có nhiều công cụ để phát hiện và xử lý…

Là đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam, đại diện BH Media chia sẻ, đơn vị gặp không ít vướng mắc về thủ tục hành chính, cũng như nhiều loại chi phí bản quyền chồng chéo, đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ để có bảng giá bản quyền minh bạch, hệ thống dữ liệu công khai về tác phẩm và đơn vị bảo hộ…
"Cái khó của doanh nghiệp là vấn nạn vi phạm bản quyền, trong đó có vi phạm bản ghi liên quan đến quyền tác giả, nhà sản xuất. Chúng tôi bị cá nhân, đơn vị sản xuất sử dựng app trên nền tảng số khai thác vấn đề này. Tôi mong họ tôn trọng pháp luật để phát triển âm nhạc lành mạnh trên nền tảng số…", đại diện BH Media cho biết.
Trước thực tế này, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hoàng khẳng định, âm nhạc muốn trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, không thể chỉ tập trung vào sáng tạo nội dung mà cần một hệ sinh thái đồng bộ.
"Cục Bản quyền tác giả sẽ tham mưu với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp âm nhạc. Cục sẽ mở nhiều lớp tập huấn để nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ, người hoạt động âm nhạc và công chúng; có những hoạt động, cơ chế khuyến khích người dân trả phí cho các sản phẩm nghệ thuật cả online và trực tiếp", Cục trưởng Trần Hoàng nhấn mạnh.
Để ngành công nghiệp âm nhạc phát triển mạnh mẽ và bền vững thì cơ chế, chính sách đột phá chính là "chìa khoá" cho công nghiệp âm nhạc “cất cánh” mạnh mẽ, chuyên nghiệp và vươn tầm quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.