Nói đến việc nhà nông, cấy lúa bằng tay quả là một cực hình, nhất là trong mùa nắng nóng, “Giọt mồ hôi rơi những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy...”. Và trong cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông, người nông dân chân ngập dưới bùn, tay liên tục dúi sâu xuống đất lạnh, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời...

Cũng là nông dân, nên anh Trần Đại Nghĩa (ở xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) hiểu hơn ai hết nỗi cơ cực ấy. Vậy nên anh luôn trăn trở phải làm một cái gì đó cho bà con, có cách nào đó giúp bà con giải phóng phần nào sức lao động, để công việc nhà nông đỡ phần khổ cực.

Nghĩ là làm, anh bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy cấy. Và sau gần chục năm nghiên cứu liên tục, anh Trần Đại Nghĩa đã sáng chế thành công chiếc máy cấy không động cơ đầu tiên tại Việt Nam. Với loại máy cấy lúa bằng điện này, kết cấu của máy đơn giản gọn nhẹ, dễ di chuyển, dễ vận hành, cấy được ở nhiều loại địa hình khác nhau, ai cũng có thể sử dụng được, công suất cấy tăng cao gấp 15-20 lần người cấy bằng tay theo truyền thống, trung bình mỗi giờ có thể cấy được từ 1000-1500 m2…

Ông Trần Huy Mùi, Bí thư chi bộ thôn Đông Hoàng, huyện Tiền Hải cho biết: ông mua máy cấy của Công ty Đại Nghĩa từ năm 2014, vì nhà ông là đất ven biển, hay bị giông lốc nên máy cấy của anh Nghĩa rất phù hợp, lại cho năng suất cao. Đặc biệt, năm nay ông Mùi đã 67 tuổi mà một ngày cấy được khoảng hai mẫu. "Thấy tiện lợi lại hiệu quả nên tôi đã giới thiệu cho nhiều người khác mua, giảm sức lao động rất nhiều, đặc biệt thuận tiện cho người già và chị em phụ nữ. Nếu mà chung nhau thì 2, 3 người chúng tôi cấy khoảng ba mẫu chỉ cần 1 buổi là xong", ông Trần Huy Mùi phấn khởi nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Đệ, ở thị trấn Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: hiện thị trấn ông 100 hộ thì có đến 70 hộ đang dùng máy cấy lúa của nhà Đại Nghĩa. Theo ông, máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa có nhiều tính năng ưu việt, máy không bị thụt trước những mảnh ruộng có độ bùn quá sâu, máy xoa nhẵn nốt chân người trước khi cấy cây mạ xuống ruộng, với đủ các kích cỡ hàng cấy phù hợp với nhiều loại giống lúa của nước ta, phù hợp với mật độ cấy và chất đất của từng vùng miền, giá lại chỉ bằng 1/4 giá máy nhập ngoại.

"Máy dễ sử dụng nên bà con thích lắm. Năng suất cao mà lúa phát triển tốt, thu hoạch đạt hiệu quả. Hơn nữa cấy truyền thống còn không được thẳng hàng, thẳng lối nên khi bón phân thì khó hơn", ông Nguyễn Hữu Đệ vui vẻ cho biết.

Phần lớn người nông dân sử dụng máy cấy lúa của anh Trần Đại Nghĩa thấy rằng rất đơn giản, cách làm mạ, gieo mạ cũng dễ, không tốn kém chi phí như gieo mạ khay trước đây. Bên cạnh đó, quy trình vận hành cũng đơn giản cho người sử dụng, không cầu kỳ, người điều khiển máy chỉ cần cho mạ lên các khoang chứa mạ của máy rồi bật nút điều chỉnh tốc độ cấy và kéo máy trượt nhẹ đi đúng hướng là hệ thống mô tơ điện sẽ tự động cấy.

Theo ông Nguyễn Xuân Bách, Phó chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, chiếc máy cấy do anh Trần Đại Nghĩa sáng chế ra đã góp phần giúp nông dân yên tâm hơn với công việc đồng ruộng, không bỏ ruộng, bỏ hoang. "Mô hình máy cấy của anh Nghĩa về địa phương chúng tôi thấy rất hiệu quả. Trước kia cũng có nhiều người bỏ ruộng, chủ yếu là thanh niên còn độ tuổi lao động đi làm công ty, với thực tế hiệu quả trong cấy ruộng thì cũng không cao lắm. Bây giờ sau khi có máy cấy này, các em đi công ty thì bố mẹ rồi người thân cũng mượn lại ruộng để cấy, nghĩa là mình không còn ruộng bỏ hoang nữa đâu".

Máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn bán cho cả khách nước ngoài, chủ yếu là khách đến từ các nước như: Ấn Độ, Philippin, Malaixia, Thái Lan... Hiệu quả rõ rệt nên ai ai cũng biết đến và tin dùng.

Đặc biệt, máy cấy của anh Trần Đại nghĩa có ưu điểm là kỹ thuật cấy - kể cả máy động cơ điện hay động cơ xăng thì bà con chỉ gieo mạ đúng quy cách và đưa mạ lên máy thì máy sẽ tự thực hiện việc cấy, kể cả ở những khu vực ngập bùn sâu.

Thành quả sáng chế máy cấy lúa "made in Việt Nam" của anh Trần Đại Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng khen Giải nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2019 và Giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15. Sản phẩm cũng được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp Bằng độc quyền sáng chế, được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chứng nhận là Sản phẩm tự hào của trí tuệ Việt Nam năm 2016; và được rất nhiều Bộ, ban ngành biểu dương khen thưởng trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào đổi mới sáng tạo.

Trên thị trường ngày nay, cũng xuất hiện một số máy cấy nhập khẩu nhưng máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của người nông dân, nhờ ưu điểm phù hợp với địa hình đồng ruộng các vùng miền, lại dễ bảo dưỡng sửa chữa mà không tốn kém chi phí, dễ sử dụng cho nhiều đối tượng lao động kể cả người cao tuổi.

Mỗi năm, gia đình anh Trần Đại Nghĩa bán hàng nghìn chiếc máy cấy cho nông dân khắp các vùng miền trên cả nước, doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Ngoài máy cấy lúa, người nông dân quê lúa Thái Bình này còn sáng chế ra máy bón đạm tự động và cùng cậu con trai cả nghiên cứu thử nghiệm thành công máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu. Không dừng lại ở đó, mới đây bố con anh Nghĩa đã bắt tay vào sáng chế rô bốt cấy lúa - tức là không cần người cấy ở giai đoạn 1...

Câu chuyện về những sáng chế, sáng tạo của anh Trần Đại Nghĩa, một người con ưu tú đã làm giàu trên chính mảnh ruộng của quê hương mình thật là vinh dự và đáng tự hào. Hy vọng trong tương lai công ty của anh Trần Đại Nghĩa tiếp tục nghiên cứu thành công rô bốt cấy và làm ra những chiếc máy cấy lúa hiện đại hơn, góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp của Việt Nam.

Anh Trần Đại Nghĩa: Chúng tôi đang ấp ủ nhiều dự định trong tương lai. Với sản phẩm rô bốt cấy (người cấy không phải lội xuống ruộng) thì cũng đã nghiên cứu cấy thử nghiệm rồi, nhưng mà để đưa được ra thị trường thì còn rất nhiều việc phải làm. Khó khăn nhiều, nhưng mình đã quyết tâm rồi, có điều kiện là sẽ còn tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục sáng chế. Mong ước lớn nhất là được đồng hành cùng bà con nông dân...

Mời nghe âm thanh tại đây: