Sau hàng loạt những sai phạm của cán bộ, trong đó có không ít cán bộ cấp cao phải chịu kỷ luật, khởi tố thì việc tồn tại đâu đó những tâm tư của cán bộ là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, tâm lý sợ sai đến mức không dám làm, không dám quyết, không dám chịu trách nhiệm, cả đơn vị, cả ngành đều “đứng im”, cán bộ chỉ “vo tròn” để “giữ ghế” thì lại là cả một vấn đề.

Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về vấn đề này.

Phóng viên: Nhận định về tâm lý sợ sai, không dám làm của cán bộ hiện nay, theo ông, nó rơi vào một bộ phận nhỏ hay không nhỏ cán bộ?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Có lẽ phải có nghiên cứu khảo sát thì mới biết được là bộ phận này nhỏ hay không nhỏ. Nhưng cảm nhận chủ quan và từ dư luận xã hội, từ sự kêu ca của các doanh nghiệp thì có thể thấy là bộ phận này không hề nhỏ.

Phóng viên: Điều gì sẽ xảy ra với những đơn vị, những lĩnh vực có cán bộ sợ sai, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là vấn đề lớn, tác động đến nền kinh tế, đến sự phát triển, thịnh vượng của đất nước và tác động đến sức khỏe và sinh mệnh của người dân. Ví dụ như là các dự án không được phê chuẩn khiến các doanh nghiệp chờ đợi thì công ăn việc làm của người dân ở đâu ra. Hay như doanh nghiệp bán trái phiếu doanh nghiệp ra rồi, ôm một đống tiền đấy, nghĩ dự án được phê duyệt nhưng không. Giờ thì họ tiền ôm cả bọc không đầu tư được trong khi lãi suất cao như vậy thì doanh nghiệp sống làm sao được.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sợ sai không dám làm là do thể chế, chính sách, pháp luật còn bất cập khiến làm kiểu gì cũng sẽ sai nên tốt nhất là không làm. Quan điểm của ông như thế nào?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi, vấn đề đầu tiên là hệ thống Pháp luật hiện vẫn có tình trạng chồng chéo, tuân thủ luật này nhưng lại không tuân thủ luật kia. Quả thực là hệ thống pháp luật quy định nhiều khi không rõ. Đến khi địa phương làm công văn hỏi Trung ương thì Trung ương yêu cầu đọc Nghị định này, Nghị định kia và yêu cầu làm đúng pháp luật, vậy là hòa.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ năng lực thực thi pháp luật. Không có luật nào có thể quy định 100% những vấn đề của cuộc sống thật, mà anh phải có năng lực để vận dụng, áp dụng chính sách. Nếu anh nghĩ rằng Luật sẽ nói cho anh từng câu từng chữ để áp dụng thì không bao giờ có. Nếu trong Luật mà quy định từng câu từng chữ thì sẽ bế tắc khi áp dụng vào cuộc sống với vô vàn tình huống khác nhau. Vì thế năng lực thực thi pháp luật hiện nay là một vấn đề lớn.

Tôi nói ví dụ về giá đất, một vấn đề rất nóng hiện nay. Giá đất được định giá theo thị trường. Rất nhiều trường hợp nếu ta chỉ suy đoán đó là tham nhũng thì rất khó khăn cho người làm. Quy kết tham nhũng là phải có chứng cứ. Đất thời điểm anh ra giá là chừng này, nhưng hiện tại sao lên 10 lần rồi. Thấy giá chênh, anh vội vã kết luận là tham nhũng thì thật khó. Các yếu tố phải được xem xét, chứng cứ phải rất rõ chứ không thể suy đoán. Nếu ta cứ suy đoán thì rất rủi ro cho công chức.

Phóng viên: Cũng có ý kiến cho rằng do đạo đức cán bộ còn hạn chế nên mới dẫn đến tình trạng này. Suy nghĩ của ông như thế nào?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Nói là do vấn đề về đạo đức, trách nhiệm thì cũng đúng. Thấy dân khốn khổ, người bệnh không cứu được mạng sống thì vì động cơ trong sáng người can bộ vẫn phải làm. Nhưng chúng ta cũng không nên một mặt như vậy. Chúng ta vẫn cần phải có thiết chế minh bạch, pháp luật rõ ràng. Chỉ nói là nâng cao tinh thần trách nhiệm cán bộ thì xem ra chỉ thiên kiến, một chiều, rất khó.

Phóng viên: Vậy theo ông, để hạn chế và chấm dứt tình trạng này chúng ta cần phải làm gì?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Trước vấn đề luật pháp còn chồng chéo như vậy, tuân thủ luật này nhưng không tuân thủ luật kia thì cơ quan tư pháp cần xác định rõ động cơ là gì. Nếu người dân ốm đau, bệnh tật tử vong đến nơi, thì việc "nhảy cóc" thủ tục để mua thì đó không phải động cơ tham nhũng. Hoặc xem xét trong lĩnh vực đó pháp luật nào là chuyên ngành thì tuân thủ pháp luật đó, còn những quy định trong các văn bản khác nếu không tuân thủ thì nên xem xét bỏ qua, vì 2 quy định xung đột nhau thì làm sao tuân thủ cả 2 được.

Một thời gian dài chúng ta cho rằng là pháp luật phải quy định chi tiết càng chi tiết càng tốt. Nhưng nếu anh không để một khoảng không gian rộng cho công chức người ta có thể phản ứng trước các vấn đề cuộc sống mà bó chặt lại thì việc quyết đáp rất khó. Vì thế, cần tìm được cái dung hòa, không nên cực đoàn phía này, cực đoan phía kia. Vì vậy, khi quy định, pháp luật phải để khoảng không gian để đội ngũ công vụ dấn thân, sáng tạo. Khoảng đó là bao nhiêu thì tùy thuộc vào tình hình, tham nhũng nhiều thì khoảng đó ít, mà đội ngũ cán bộ liêm chính nhiều thì khoảng đó rộng.

Phóng viên: Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành chủ trương bảo vệ cán bộ, theo đó: khi mà cán bộ thực hiện kết quả thí điểm không đạt thì có thể xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Ông suy nghĩ như thế nào về động lực này dành cho cán bộ, nhất là trong bối cảnh hiện nay?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng đây là kết luận rất kịp thời và cần thiết. Vì tuân thủ pháp luật thì không phải bao giờ cũng hợp lý và cái hợp lý không phải lúc nào cũng hợp pháp. Pháp luật đừng duy ý chí, hợp pháp - hợp lý phải đi liền, chỉ quy định theo chủ quan thì rất khó khăn. Chúng ta cần bảo vệ cán bộ là ở chỗ: nếu có động cơ trong sáng thì nếu xảy ra thất bại, anh có thể rút kinh nghiệm mà không bị truy tố, xử lý hình sự. Việc thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị là rất quan trọng.

Xin trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Sĩ Dũng!

Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay là cơ hội để sửa chữa con người và cũng là dịp sửa chữa cả những vấn đề phát sinh từ cơ chế. Vì thế, khi vấn đề đã bộc lộ và được nhìn nhận thì cần cấp thiết sửa đổi và chấn chỉnh, để nỗi sợ hãi (nếu có) chỉ nên dành cho những cán bộ có ý định tham nhũng, cơ hội, lợi ích nhóm mà thôi.