Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch. Các bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“ Việc ban hành các chính sách này đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tứi cộng đồng kinh doanh”. Đây là nhận định của tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại “Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: thu hẹp khoảng cách từ chính sách tới thực thi” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Dưới góc độ đối tác quốc tế, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các chính sách và khuyến khích để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một động lực trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và chống chịu hơn.

Các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn như hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng, gói 180 nghìn tỷ đồng của chính sách tài khóa nhằm gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất và 16 nghìn tỷ đồng cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến ngày 27/11 mới chỉ có 75 doanh nghiệp được vay từ gói hỗ trơ 16 nghìn tỷ đồng để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch. Trong khi đó, tính đến hết tháng 11/2020 đã có tới 44 nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người.

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam phải cắt giảm hoạt động kinh doanh và giảm số lượng công nhân do đứt đơn hàng và gián đoạn nguồn cung. Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất từ dịch Covid-19 chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nhóm doanh nghiệp yếu thế đang chịu nhiều thiệt thòi do không có thông tin hoặc chưa nắm bắt được kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo ông Lê Việt Cường, giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Hà Nội, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn và các gói hỗ trợ này. Rào cản đối với doanh nghiệp chính là thủ tục pháp lý.

Còn đối với các thành phần kinh tế khác như hợp tác xã cũng phải đối mặt với những tác động của dịch bệnh. Bà Vàng Thị Cầu, tổ trưởng Tổ Marketing của hợp tác xã Lanh trắng Đồng Văn, Hà Giang cho biết, các hợp tác xã do người dân tộc làm chủ không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước do thủ tục rườm rà, người dân tộc thiểu số lại gặp trở ngại về tiếng nói và chữ viết. Đồng thời, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, các cơ quan có thẩm quyền cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ trong thời gian qua để có điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, từng lĩnh vực và trong từng giai đoạn. Đặc biệt, ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa do khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này. Song song với đó, cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian hoàn thành các khoản được hoãn, giãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch. Làm được điều đó sẽ thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Đây sẽ là một trong những vấn đề quan trọng để các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự hiệu quả trong đại dịch Covid-19 cũng như với các thảm họa của thiên tai.