Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm mục tiêu chuyển đổi việc làm theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn đáp ứng với cơ cấu kinh tế của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để thúc đẩy phát triển công tác đào tạo nghề, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ chính sách nhằm thu hút người lao động tham gia.

Mục tiêu cuối cùng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là có được nhân lực chất lượng cao để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa thủ công, tiểu thủ công và của những ngành nghề mới ở nông thôn. Những thương hiệu về cà phê, hạt điều, vải thiều, cá ba sa, hàng thủ công của đồng bào thiểu số...hiện đang được thế giới quan tâm và ưa chuộng không chỉ bởi là đặc sản đơn thuần, mà còn do hàm lượng trí tuệ trong đó nhờ người dân học tập thường xuyên mà có.

Tuy nhiên công tác đào tạo nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức và hạn chế như: nhiều học viên sau khi học nghề chưa kiếm được việc làm, đào tạo nghề chưa gắn với thực tiễn. Việc lựa chọn các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn tới đây sẽ được định hướng như thế nào? Ông Đào Trong Độ Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng:

" Công việc và các ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi thường xuyên, việc lựa chọn nghề có đúng hay không cần xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của người tham gia đào tạo, phải suy nghĩ và tính toán làm sao để học nghề có thể gắn với điều kiện làm nghề sau khi học. Chẳng hạn nếu chúng ta muốn học nghề đề trồng cây cafe hoặc nuôi cá thì phải có điều kiện như là có đất để trồng cây, có ao để học xong có thể áp dụng và trồng cây và nuôi cá. Đồng thời việc lựa chọn ngành nghề của bà con nông dân cũng cần gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của từng vùng, từng địa phương và gắn với thế mạnh phát triển của từng sản phẩm, để khi bà con học xong có điều kiện làm nghề được ổn định. Có thể trước mắt nó chưa được phát triển tốt, nhưng chúng ta cũng nhìn vào định hướng xa hơn ứng với các sản phẩm đặc thù của địa phương để có thể chuyển đổi nghề".

Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; trên 90% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương…Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 25%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%. Tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động: tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030.

Bên cạnh đó tạo việc làm tốt hơn cho người lao động: tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 30%; tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm. Giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin.

Định hướng tiến đến năm 2030, đạt mục tiêu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Đến năm 2030, có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40% vào năm 2030; chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90% năm 2030./.