Kết dư bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hơn 953 nghìn tỷ

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tổng số dư các quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến năm 2020 là 953 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2019.

Cụ thể, số tiền thu BHXH bắt buộc năm 2020 là trên 261,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2020 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, chiếm 4,4% số phải thu.

Về tình hình chi trả các chế độ BHXH, tổng số chi các chế độ BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 là 47.146 tỷ đồng, giảm 115 tỷ đồng (tương ứng 0,2%) so với năm 2019.

Tổng số chi chế độ từ nguồn quỹ BHXH là 193.619 tỷ đồng, tăng 15.124 tỷ đồng (8,47%) so với năm 2019. Số người hưởng BHXH một lần năm 2020 là 860.741 người, tăng 6,65% so với năm 2019.

Đối với BHXH tự nguyện, năm 2020, tổng số người tham gia là 1.125.236 người, tăng 2 lần so với năm 2019. Tổng số tiền thu BHXH tự nguyện năm 2020 là 3.969 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, số người tham gia BHXH bắt buộc đến hết 31/12/2020 là 15.050.944 người, giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019.

“Đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

Liên quan đến hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng số kết dư đầu tư quỹ đến 31/12/2020 là 897,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó 86,8% là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Tổng số tiền lãi thu được từ hoạt động đầu tư quỹ trong năm 2020 khoảng 47,59 nghìn tỷ đồng; lãi suất đầu tư bình quân năm 2020 đạt 5,02%.

Về thực hiện các giải pháp xử lý và sử dụng quỹ BHXH hợp lý trong thời kỳ dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết tháng 12/2020 thì số đơn vị được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 755 đơn vị, số người lao động tạm dừng đóng là 97.626 người, số tiền tạm dừng đóng là hơn 471,8 tỷ đồng.

Để quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHTN được hiệu quả, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị, trong khi chưa sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cho phép Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được quyết định đầu tư, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại hoạt động tốt hoặc lành mạnh, ổn định theo danh sách do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp hằng năm.

Vẫn còn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản

Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, năm 2020, tổng số thu bảo hiểm xã hội đạt kế hoạch đề ra với mức 265.692 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 6,25% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019. Mức lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp tăng không đáng kể, thậm chí tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.

Đặc biệt, tổng số tiền nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội là 15.129 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng so với 2019...

“Cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù khi hết thời hạn tạm dừng đóng”, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, năm 2020, tổng số tiền chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội ước khoảng 240.765 tỷ đồng. Trong đó, quỹ hưu trí, tử tuất chi 162.008 tỷ đồng; quỹ Ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe chi 30.725 tỷ đồng; chi từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 17.149 tỷ đồng...

Ủy ban Xã hội Quốc hội đánh giá, vẫn còn tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ để lạm dụng, trục lợi Quỹ ốm đau, thai sản; vẫn còn tình trạng chi sai, chi chế độ trợ cấp thất nghiệp trùng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn chi chủ yếu vào một số chế độ nhất định, chưa thực hiện được hết các chế độ theo quy định.

Trước việc nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội lên đến 15.129 tỷ đồng, Ủy ban Xã hội của Quốc hội kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tồn đọng kéo dài; ban hành văn bản hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao theo hình thức tự nguyện...

Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cần phải đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định. Bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng...