Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu vẫn băn khoăn về một số chỉ tiêu bình đẳng giới còn hạn chế trong thực hiện như: tỷ số giới tính khi sinh, lao động nữ trình độ chuyên môn còn thấp, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay….

Để hoàn thiện các chỉ tiêu này nhiều đại biểu cho rằng cần có cái nhìn từ hai phía. Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề xuất nên đưa bình đẳng giới vào trong học đường để có một thế hệ trẻ bình đẳng thực chất “Người phụ nữ phải giải phóng chính mình. Khi nào còn giới khác giải phóng người phụ nữ thì khi đó còn bất bình đẳng”.

Cùng quan điểm, đại biểu Lương Xuân Cừ, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng bình đẳng giới được xác định do giới tính, do tư tưởng, thậm chí do cả chức năng, thiên chức mà hiện nay, giới tính nữ đang có thiệt thòi hơn.

Lâu nay, khi nói đến bình đẳng giới hay bạo lực gia đình chúng ta thường nghĩ ngay tới phụ nữ. Tuy nhiên, trong báo cáo của chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 nêu rõ có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ. Trong đó, bạo lực thân thể là hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất, tiếp đến là bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Trong tổng số nạn nhân của bạo lực gia đình có 82,3 % nạn nhân là nữ giới. Nạn nhân nam giới bị bạo lực là 565 người, chiếm 17,7 %. Như vậy, so với năm 2022 số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước. Bởi vậy đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định kiến nghị cần quan tâm đến yếu tố giới trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.“Thực tế nam giới bị bạo lực gia đình đang có xu hướng tăng hay trong buôn bán người có không ít nạn nhân là nam giới. Họ cũng cần được bảo vệ”.

Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, nam giới và nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Tiền Giang cho rằng, chính phủ phải thực hiện nghiêm thủ tục, nội dung, đánh giá tác động về bình đẳng giới. Các dự án luật khi không đảm bảo bình đẳng giới thì không nên trình. Các cơ quan cần có ý kiến mạnh mẽ, thẳng thắn đảm bảo đánh giá tác động, lồng ghép bình đẳng giới trong các chương trình đề án.

Bình đẳng giới ở Việt Nam đã có những bước tiến dài. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, thực hiện nghiêm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030. Thêm vào đó, cần triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách, giải pháp để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số, công nghệ số, thu nhập, việc làm, biến đổi khí hậu và giảm khoảng cách giới.