Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học, một phần nhờ vào sự phong phú về địa hình, khí hậu và môi trường sống. Theo thống kê, nước ta có khoảng 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu, 10.500 loài động vật trên cạn, hơn 11.000 loài sinh vật biển và khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật.

Tính đến năm 2023, Việt Nam đã thành lập được 173 khu bảo tồn. Thêm vào đó, Việt Nam cũng có 9 khu vực đất ngập nước được công nhận theo danh sách Ramsar quốc tế và 23 tỉnh, thành phố đã có quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học được phê duyệt. Tuy nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức do nhiều nguyên nhân, mà phần lớn là do con người gây ra. Từ nạn phá rừng và khai thác quá mức đến ô nhiễm và biến đổi khí hậu, các hoạt động của con người đang đẩy nhiều loài động vật và thực vật đến bờ vực tuyệt chủng.

Chị Lê Thị Thảo Minh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Go Green cho rằng, việc giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân: “Chúng tôi thực hiện các hoạt động về môi trường hướng tới giới trẻ, tổ chức những sân chơi, tập huấn lan tỏa lối sống xanh đến với mọi người”.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cần thiết phải truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và vai trò của đa dạng sinh học trong phát triển bền vững.

“Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã của VN có bước tiến đáng kể. Đây là việc cần làm thường xuyên lâu dài và phải có chiến lược”.

Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân trong chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, giảm tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loại động vật có nguồn gốc tự nhiên và đặc biệt là động vật hoang dã theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc công ty Luật SBLaw là những việc cần được ưu tiên làm trước.

“Nhận thức của người dân Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, chúng ta cần thay đổi nhận thức của người dân về lĩnh vực này” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà khẳng định.

Bà Nguyễn Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an khẳng định, việc kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bảo vệ, bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái; củng cố và tăng cường hệ thống di sản thiên nhiên.

Để từng bước ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới bảo tồn thiên nhiên, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học./.