Hội thảo nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chương trình mang tính chất quốc gia, nhằm hiện thực hóa giải pháp được đánh giá là quan trọng hàng đầu trong thực hiện Nghị quyết của Đảng, đó là “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội”. Trong đó, xác định nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả, đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện Nghị quyết.

Theo đánh giá của các đại biểu, thời gian qua, nội dung tuyên truyền về biển đảo luôn được cập nhật, đổi mới, bảo đảm tính toàn diện, có sự lựa chọn phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng. Công tác thông tin, tuyên truyền đã có sự đổi mới cả về hình thức và phương pháp tuyên truyền với các nội dung phong phú, sáng tạo và linh hoạt. Việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền chuyên đề về biển, đảo với những bài giảng, bài nói chuyện sinh động đã thu hút sự quan tâm của nhiều người cũng như cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Theo PGS Vũ Sỹ Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển đảo Việt Nam, trong giai đoạn 4.0 hiện nay, truyền thông đóng vai trò quan trọng, nhất là việc truyền thông về biển đảo của nước ta thời gian qua. Ông Tuấn nhấn mạnh, khi cung cấp thông tin cho các đơn vị truyền thông, các bộ ngành địa phương cần đảm bảo yếu tố thông tin phải nhanh, chính xác để có thể truyền thông hiệu quả về biển đảo Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, đánh giá cao tờ trình và nội dung dự thảo Chương trình Truyền thông về biển và Đại dương đến năm 2030. Tuy nhiên, theo ông Đông, trong dự thảo cần làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo lần này với các chương trình tuyên truyền khác đã có. Nếu là đề án hoàn toàn mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ trong các nội dung, nội dung nào thuộc đề án này, vấn đề nào thuộc về Chương trình tuyên truyền về Biển Đông. Bởi vì khi làm rõ được mối liên hệ giữa các đề án, các chương trình hiện có thì sẽ xác định được nội dung, đối tượng cũng như mục tiêu cụ thể để không bị trùng lặp và đặt ra được giải pháp cụ thể khi tiến hành truyền thông.

Ông Phạm Duy Thăng, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế của Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương là kim chỉ nam trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong xã hội. Do đó, ông Thăng đề nghị Ban Soạn thảo cần đưa quan điểm này vào mục tiêu đầu tiên của dự thảo, coi đó là mục tiêu thiết yếu, mục tiêu chính trong mục tiêu chung. Ghi nhận đóng góp của các đại biểu cho dự thảo Chương trình Truyền thông về biển và Đại dương đến năm 2030, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ban soạn thảo sẽ tập hợp, sửa đổi cũng như rà soát các nội dung Dự thảo theo góp ý của các bộ ngành, đơn vị chức năng để hoàn thiện dự thảo, sớm trình Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, việc truyền thông trong nước đã cung cấp kịp thời những kiến thức cơ bản về tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam, nhất là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Điều này, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vùng biển Việt Nam có diện tích rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, đường bờ biển dài trên 3.260 km (đứng thứ 27 về chiều dài bờ biển trong số 157 quốc gia ven biển, đảo quốc trên thế giới) và tỷ lệ mặt tiền hướng biển gấp 6 lần thế giới.

Nước ta có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Biển Đông đóng vai trò “cầu nối” quan trọng, là cửa mở với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài những tiềm năng về tài nguyên - môi trường, biển Việt Nam còn có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.720 km2, 02 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa (gồm hơn 200 đảo) và các đối tượng địa lý (187 đảo).

Hệ thống đảo Việt Nam có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng. Với vị trí phân bố đặc thù, hệ thống đảo có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế biển, đảo. Đây được coi là ưu thế nổi bật, đặc thù của hệ thống đảo mà các vùng khác không có.