Ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa, các hành vi bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường... là vấn đề nhiều người lo ngại, bởi tính chất phức tạp, tinh vi, manh động, nguy hiểm của hành vi và hậu quả đau lòng của nó.

Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ án giết người có tính chất tàn bạo và manh động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự khiến dư luận bức xúc. Mặc dù tội phạm giết người chiếm tỷ lệ không cao trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội nhưng đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng.

Nhiều vụ việc chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhưng một số người đã dùng bạo lực, hung khí để giải quyết vấn đề, gây ra những vụ án đau lòng. Có những vụ án mà cả nạn nhân và hung thủ đều là những người thân trong gia đình. Còn có những vụ án gây chết người chỉ vì “nhìn thấy ghét” rồi cãi vã đâm chém nhau.

Không những vậy, trong năm 2022 vừa qua, nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng đã được phát hiện, đấu tranh, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên lãnh đạo cấp cao đến các đại gia, doanh nhân vướng vòng lao lý.

“Qua những đại án hình sự và nhiều vụ án kinh tế chúng ta thấy rằng, trong số những người đã và đang chịu sự phán xét của pháp luật và dư luận, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống”, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum nói.

Đại biểu Tô Văn Tám khẳng định, nếu bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội thì sự xuống cấp của đạo đức, lối sống cũng cần được nhìn nhận trong tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và giải pháp để ngăn chặn sự suy thoái đó cũng phải đặt trong tổng thể này.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần sớm đổi mới nội dung, phương thức cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho mọi người dân. Đồng thời, củng cố, phát huy các thiết chế xã hội cơ sở trong việc giám sát, điều chỉnh, uốn nắn, nuôi dưỡng đạo đức cá nhân. Đặc biệt cần giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống, định hướng, hoàn thiện các giá trị đạo đức mới.

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, song sự phát triển chung chưa thực sự hài hòa nhất là ở lĩnh vực văn hóa.

Văn hóa phát triển chậm, chưa tương xứng so với kinh tế, chưa tác động hiệu quả đến xây dựng con người và môi trường văn hóa Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, môi trường văn hóa, thuần phong, mỹ tục đang bị xâm hại đáng báo động.

Một bộ phận văn nghệ sĩ, người mẫu, người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội xuống cấp về lối sống, đạo đức. Bên cạnh đó, mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin xấu độc từ mạng xã hội, blog cá nhân, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực, đồi trụy đã ngày càng làm gia tăng tội phạm.

"Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế để khơi thông sức mạnh, phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác", đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu kiến nghị.

Khẳng định sự suy thoái đạo đức đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em thời gian qua, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang lý giải, theo Nghị quyết số 121 của Quốc hội đặt ra yêu cầu kiềm chế và kéo giảm từ 5 đến 7% các loại tội phạm xâm hại trẻ em, nhưng từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại đều có chiều hướng gia tăng.

Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực gia đình năm 2020 chiếm 5,55%, đến năm 2022 chiếm đến 7,5%. Đáng chú ý, một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng lại do chính người thân, người có trách nhiệm chăm lo, chăm sóc nuôi dưỡng cho trẻ em gây ra.

Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo ưu tiên đảm bảo nguồn lực, chú trọng hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các tổ chức, nhất là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn.