Thuốc lá điện tử biến đổi không ngừng

TS.BS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết một cuộc điều tra nhanh của tổ chức Y tế thế giới trong một trường THCS ở nội thành Hà Nội đầu tháng 12 cho kết quả có hơn 10% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Con số này cho phép dự báo về khả năng tỉ lệ sử dụng thuốc lá còn cao hơn ở lứa tuổi lớn hơn từ cấp THPT trở lên.

“Trên toàn thế giới, lứa tuổi teen phổ biến nhất của việc bắt đầu dùng thuốc lá, kể cả truyền thống và điện tử. Nhưng với thuốc lá điện tử tôi cho rằng lứa tuổi sử dụng sẽ sớm hơn”, TS.BS Hoàng Tú Anh cho biết.

Thuốc lá điện tử đã phát triển đến thế hệ 4 với những thay đổi từ hình dáng đến khả năng điều khiển về nhiệt độ, khả năng thay các dung dịch bên trong. Chính việc thay đổi hình dáng tùy theo thị hiếu sẽ đặt ra nguy cơ khó kiểm soát.

“Ví dụ như người ta làm ra những dụng cụ hút thuốc lá điện tử mang màu sắc khác nhau, bắt mắt cho cả giới nam cho giới nữ. Thậm chí thậm chí còn giống như cái kẹo nhiều màu sắc, thoạt nhìn rất vô hại, lại còn còn nhẹ nhàng dễ thương để cho những bạn trẻ, nhất là lứa tuổi mà nhỏ tò mò dùng thử”, TS.BS Tú Anh chia sẻ thêm.

Nhưng, dù thay đổi về hình dạng đến đâu, thuốc lá điện tử vẫn có cấu tạo gồm phần để chứa tinh dầu, bộ phận làm nóng để biến tinh dầu thành dạng hơi, công tắc bật tắt và đầu hút.

Điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa thuốc lá điện tử với thuốc lá thông thường theo TS.BS Hoàng Tú Anh là nguyên liệu đốt tạo khói. Nếu thuốc lá truyền thống tạo nên từ sợi thuốc lá phơi khô thì thuốc lá điện tử cơ bản sử dụng hóa chất, nicotin vẫn là thành phần chủ yếu.

Nguy hại nhất của thuốc lá điện tử nằm ở việc có thể thay thế các loại hóa chất sử dụng, trong đó phải kể đến việc ma túy bị thêm vào.

Cần cấm triệt để thuốc lá điện tử

Tại Hà Lan, một nghiên cứu cho thấy có khoảng 20.000 các hương liệu khác nhau có trong các loại thuốc lá điện tử. Điều này khiến các cơ quan quản lí khó lòng cập nhật.

Bên cạnh đó, việc quảng cáo thuốc lá điện tử không đúng quy định hiện đang là vấn đề rất đáng báo động, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Rất nhiều clip hướng dẫn cách sử dụng thuốc lá điện tử hoặc video ca nhạc với hình ảnh các ca sĩ trẻ sử dụng thuốc lá điện tử tràn lan tạo nên xu hướng “đua theo thần tượng” trong giới trẻ.

Thêm vào đó, nhiều quảng cáo đã tạo nên cách hiểu sai lầm rằng thuốc lá điện tử thay thế và đỡ hại hơn thuốc lá truyền thống. Chính từ cách hiểu sai lầm này đã dẫn tới trường hợp sử dụng song song cả hai loại thuốc lá.

Trên thực tế, thuốc lá điện tử có thể tăng nguy cơ với sức khỏe người sử dụng gấp 4 lần, TS.BS Hoàng Tú Anh khẳng định.

Nguy cơ tràn lan thuốc lá điện tử còn nằm ở việc tiếp cận quá dễ dàng. “80% trẻ em được hỏi không gặp bất cứ trở ngại nào trong việc mua thuốc lá, đương nhiên việc cấm sử dụng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều”.

Bên cạnh đó, nghiên cứu từ Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cùng nhiều nghiên cứu khác cho thấy Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao thuộc nhóm nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa nhóm phụ nữ và trẻ em cũng bị sử dụng thụ động cao và từ đây, rất có thể sẽ tiếp tục tiến tới sử dụng chủ động.

"CCIHP mong muốn thành lập một mạng lưới để mọi người lồng ghép câu chuyện thuốc lá này vào nội dung về sức khỏe, về quyền của phụ nữ và trẻ em với hy vọng tác động ngăn cản và dự phòng sử dụng thuốc lá điện tử ở bối cảnh rộng hơn”, TS.BS Hoàng Tú Anh chia sẻ.

Từ các nghiên cứu thực tế về tình trạng sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử trong giới trẻ, TS.BS Hoàng Tú Anh cho rằng cần ngay lập tức cấm triệt để thuốc lá điện tử.

“Khi đã cho phép rồi thì sẽ không thể kiểm soát được. Các số liệu trên thế giới cũng đã cho thấy là ở các quốc gia có cho phép sử dụng thuốc lá điện tử, kể cả có giám sát đều có mức độ tăng sử dụng thuốc lá gồm cả thuốc lá điện tử rất đáng kể. Ví dụ như ở Ba Lan thậm chí số người sử dụng đã tăng gấp 4 lần”, TS.BS Hoàng Tú Anh phân tích.

Bấm nghe trao đổi giữa BTV chương trình với TS.BS Hoàng Tú Anh tại đây: