Ngày mai - 23/5, hơn 60 triệu cử tri cả nước sẽ tham gia ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để bỏ phiếu bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV và hàng nghìn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Vào thời điểm này, ở tất cả các địa phương, đều ngập tràn cờ hoa, pa-nô, áp phích rực rỡ với những khẩu hiệu hướng về ngày hội non sông - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Tuy nhiên, cuộc bầu cử không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực của người dân. Việc lựa chọn những đại biểu có đủ đức và tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi cử tri.

Bạn Ngô Khánh Linh, Sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền cảm thấy vô cùng xúc động và bồi hồi khi lần đầu tiên em được tự tay mình cầm lá phiếu cử để lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, tâm tư, nguyện vọng của mình.

Suốt mấy ngày nay, Ngô Khánh Linh luôn dành một thời gian nhất định để tìm hiểu kỹ tiểu sử cũng như chương trình hành động của mỗi ứng cử viên thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau để hy vọng sự lựa chọn của mình thật sáng suốt, bầu ra được những người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội và HĐND các cấp.

"Tôi nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của những cử tri trẻ, phải cân nhắc thật cẩn thận từng ứng cử viên, người nhận được lá phiếu bầu của mình phải thật sự có trách nhiệm để vừa làm tròn trách nhiệm của công dân và vừa có trách nhiệm trước lòng tin của nhân dân. Đây là vinh dự, là quyền làm chủ thật sự của người dân nói chung, tuổi trẻ Việt Nam nói riêng"- Ngô Khánh Linh chia sẻ.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân. Do đó, mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước.

Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa 12,13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, ông cảm thấy rất tự hào khi bản thân được tham gia bầu cử tới 10 lần và đến bây giờ vẫn vẹn nguyên cảm xúc của lần đầu tiên được cầm lá phiếu tham gia vào sự kiện trọng đại của đất nước.

“Qua thời gian ký ức về ngày bầu cử vẫn là ký ức đẹp, vẫn còn nguyên vẹn và đáng nhớ”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến bày tỏ.

Ông Lê Như Tiến cho rằng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lần này, diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang triển khai thực hiện và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, về mặt kinh tế xã hội,Việt Nam là một trong số ít, đất nước có nền kinh tế tăng trưởng dương với nhiều thành tựu to lớn. Thế nhưng ngoài những mặt thuận lợi, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Trong một bối cảnh như vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân trong Quốc hội và HĐND các cấp là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với mỗi cử tri.

“Mỗi lá phiếu trong tay cử tri cả nước dù nhỏ bé với những thông tin cơ bản nhất nhưng chứa đựng giá trị vô cùng ý nghĩa, vô cùng thiêng liêng, cao quý”- ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Việc lựa chọn đại biểu phải được nghiên cứu, lựa chọn sáng suốt chứ không được gạch theo cảm tính hay đi bầu cho có. Mỗi cử tri cần hiểu rõ, những đại biểu ưu tú do mình chọn ra chính là những cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền, phản ánh nguyện vọng của nhân dân.

Ông Tiến nêu quan điểm: Những người trực tiếp cầm lá phiếu để chọn những người có tâm có tầm có tài có đức có năng lực có phẩm chất vào các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Đó chính là sự trao gửi của Tổ quốc của nhân dân đối với mình. Các cử tri hãy làm tốt bổn phận của mình, lựa chọn những người xứng đáng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai”.

Ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho mọi công dân thực hiện quyền bầu cử của mình. Trong đó, cần lưu ý 4 nguyên tắc cơ bản, đã được luật hóa thành những luật định quan trọng trong quá trình bầu cử ở nước ta đó là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín.

Đặc biệt năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử là rất quan trọng. Dù trong ngày bầu cử, việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục nhưng có thể sắp xếp và vận động cử tri theo từng Tổ dân phố, từng xóm đi bỏ phiếu lần lượt theo từng thời gian để tránh tình trạng tập trung quá đông người.

Mỗi lá phiếu sẽ tượng trưng cho một niềm tin cùng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, dân chủ nhất của mỗi cử tri, tin rằng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ lựa chọn được đội ngũ đại biểu dân cử xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Mời các bạn nghe cuộc trò chuyện giữa PV VOV2 với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngay dưới đây.