Kinh tế gia đình chưa hẳn khá giả, tuy nhiên, Trung tá, Tiến sỹ Trần Hữu Huy, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với gia đình người có công với cách mạng, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh có thành tích học tập suất sắc, tiêu biểu.

Chàng trai ham học và giàu ý chí

Trung tá Trần Hữu Huy sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trước đây, nguồn sống phụ thuộc chủ yếu vào mấy sào ruộng do chính quyền địa phương chia theo tiêu chuẩn. Khéo chăm sóc và được mùa thì mới đủ ăn. Chính vì thế, khi anh và cậu em trai đều vào đại học, bố mẹ anh đã phải bán bớt một phần đất thổ cư để lấy tiền lo chi phí học hành cho các con. “Trước kia, gia đình tôi nằm trong bối cảnh chung, đất nước còn khó khăn, bố mẹ tôi đã quyết định bán một phần đất để cho lo cho 2 anh em ăn học. Sau này, tôi biết thông tin này, tôi rất buồn. Tôi nghĩ mình cần phấn đấu để sau này thành đạt, có điều kiện thì sẽ xin chuộc lại phần đất mà bố mẹ đã bán. Cuối năm 2017, tôi đã thực hiện được tâm nguyện này”, Trung tá Huy tâm sự.

Trung tá Trần Hữu Huy chia sẻ đó là kỷ niệm anh không bao giờ quên, đồng thời là động lực thôi thúc anh học tập thật tốt để không phụ lòng cha mẹ. Ngoài ra, anh còn được cha, là một cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam, chiến đấu góp phần bảo vệ biên giới phía Bắc, tiếp thêm tình yêu đối với Tổ quốc. Qua những câu chuyện của cha, kể về các trận đánh anh dũng, sự gian khổ và hy sinh của những người lính cụ Hồ, anh hiểu rằng hòa bình và độc lập dân tộc hôm nay đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của thế hệ cha anh. Sự hy sinh đó không gì có thể bù đắp được nhưng sẽ kém phần ý nghĩa nếu thế hệ hôm nay không học tập, rèn luyện và phấn đấu để xây dựng đất nước giàu mạnh. Vì lẽ đó, nên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, anh đã không ngừng nỗ lực học tập với mơ ước trở thành một nhà giáo về lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau. “Yêu nước và tự hào về những chiến công mà thế hệ cha anh đã lập được, tôi càng thương cảm và biết ơn các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do. Sau này xem nhiều cuốn phim và đọc nhiều sách nói về lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc, tôi càng đam mê môn lịch sử. Tôi thi vào ngành lịch sử với mong muốn trở thành người thầy về môn lịch sử để góp phần tuyên truyền về truyền thống đấu tranh hào hùng, anh dũng của dân tộc ta với các bạn trẻ”, Trung tá Huy chia sẻ.

Càng nghiên cứu về lịch sử, anh càng thấy rất biết ơn, nể phục và quý trọng thế hệ cha anh - những người sẵn sàng hy sinh tất cả vì hòa bình và độc lập dân tộc. Chính vì thế, sau khi tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Lịch sử, anh đã nộp đơn xét tuyển đào tạo sĩ quan dự bị. Với thành tích học tập tốt và tư tưởng chính trị vững vàng, anh được gọi phục vụ tại ngũ, trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó được phân công công tác tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - cơ quan đầu ngành nghiên cứu về lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự. Với nhiều người, đây có lẽ đã là điểm dừng chân. Nhưng với anh, học tập là một hành trình, diễn ra trong suốt cuộc đời. Tâm niệm như vậy nên anh tiếp tục nghiên cứu về lịch sử quân sự nước nhà và lấy bằng Tiến sĩ vào năm 2017.

Chưa dừng lại ở đó, giờ đây, tuy bận rộn nhưng hàng tuần anh vẫn di chuyển hàng chục cây số từ nhà riêng tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên tới Trường Đại học Hà Nội trên địa bàn quận Thanh Xuân, để học tập, nâng cao kiến thức, trình độ về ngoại ngữ. “Nghiên cứu về lịch sử không chỉ đòi hỏi sự tâm huyết mà phải học và đọc nhiều hơn nữa, tham khảo nhiều hơn nữa các nguồn tư liệu, nên tôi học thêm về ngoại ngữ để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là khả năng khai thác các nguồn tư liệu của nước ngoài viết về lịch sử chiến tranh, nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho quân đội”, Trung tá Huy chia sẻ.

Gieo hạt “uống nước nhớ nguồn”

Đã chuyển công tác về Hà Nội gần 4 năm nay nhưng mỗi khi sắp xếp được công việc, Trung tá Trần Hữu Huy lại vượt hàng trăm km về thăm, động viên gia đình bà Lăng Thị Dậu, Lăng Thị Lả và ông Lăng Văn Lim tại thôn Rừng Cấm Chằm Non, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là thân nhân của liệt sỹ Lăng Văn Chưởng, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Anh Đào Đức Phồn, Bí thư Chi bộ thôn Rừng Cấm Chằm Non cho biết chính quyền địa phương luôn quan tâm đến gia đình bà Dậu, bà Lả và ông Lim. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan nên gia đình này rơi vào hoàn cảnh khó khăn. “Gia đình có 3 thành viên thì cả 3 người đều không lấy vợ, lấy chồng, nhận thức không được tốt”, anh Phồn cho biết.

Không chỉ động viên, từ năm 2020, trong thời gian công tác tại Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1, đóng quân trên địa bàn xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, Trung tá Trần Hữu Huy còn hỗ trợ gia đình này mỗi tháng 300 ngàn đồng. Ông Lăng Viết Ký, người thân của bà Dậu, bà Lả và ông Lim, cho rằng số tiền hỗ trợ đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống gia đình. “Đồng chí Huy là người rất tốt. Nhờ sự quan tâm của đồng chí mà gia đình có thêm một khoản để chi tiêu trong sinh hoạt. Thay mặt gia đình, tôi xin cảm ơn đồng chí Huy”, ông Ký bày tỏ.

Điều khiến ông Ký cũng như các cán bộ làm công tác an sinh xã hội tại xã Hòa Lạc cảm động là khi đã chuyển công tác về Hà Nội nhưng tình cảm của Trung tá Trần Hữu Huy dành cho các gia đình có công với cách mạng vẫn không thay đổi. Số tiền hỗ trợ 300 ngàn đồng cho một số gia đình chính sách đã phần nào thể hiện tình cảm đó.

Anh Đào Đức Phồn, Bí thư chi bộ thôn Rừng Cấm Chằm Non, cho rằng sự hỗ trợ này rất thiết thực. “Số tiền 300 ngàn đồng/tháng là không lớn. Tuy nhiên, với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, như trường hợp gia đình bà Dậu, bà Lả và ông Lim, thì đó là khoản tiền lớn, giúp họ cải thiện cuộc sống”, anh Phồn đánh giá.

Từ khi về công tác tại Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1, sau đó chuyển về Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, đóng quân tại Hà Nội, Trung tá Trần Hữu Huy cũng vẫn duy trì tình cảm và sự quan tâm đối với gia đình cụ Vi Thị Nằng - vợ liệt sỹ Chu Đích Sơn, tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Nhân dịp 27/7 - Ngày thương binh liệt sỹ, anh đã dành trọn vẹn một ngày nghỉ cuối tuần, chạy hơn 100 km lên thăm gia đình, mang theo quà, bánh và khoản tiền hỗ trợ 900 ngàn đồng cho 3 tháng của quý III/2024.

Đón nhận gói quà cùng khoản tiền hỗ trợ từ tay Trung tá Trần Hữu Huy, cụ Vi Thị Nằng mắt rưng rưng vì cảm động. Nghẹn ngào rất lâu, bà mới nói thành lời. “Cảm ơn con! Cảm ơn con!”.

Đỡ lời mẹ nhưng ông Chu Văn Hồng - con trai liệt sỹ Chu Đích Sơn cũng cảm động và phải mất vài phút sau mới cất lên được những lời từ đáy lòng để đáp lại tấm lòng mà Trung tá Trần Hữu Huy dành cho gia đình.

Chuyện trò, hỏi thăm về sức khỏe, tình hình sản xuất của gia đình cụ Vi Thị Nằng, nhận thấy gia cảnh còn khó khăn, Trung tá đã hứa với cụ và lãnh đạo chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng cho gia đình. Anh bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương sẽ tiếp tục là cầu nối để anh hỗ trợ gia đình qua hình thức chuyển khoản.

Cứ như vậy, dù đã chuyển về Hà Nội công tác nhưng Trung tá, Trần Hữu Huy vẫn dành cho những gia đình có công với cách mạng tại nơi mình từng đóng quân sự quan tâm, hỗ trợ và tình cảm rất sâu sắc.

Ươm mầm khát vọng

Từ năm 2018 đến nay, Trung tá, Trần Hữu Huy còn giúp một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Lạng Sơn có thêm điều kiện chữa bệnh, học tập và cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Cháu Lẹo Tuấn Khanh, ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn là một trong những trường hợp nhận được sự hỗ trợ này. Chị Hoàng Thị Cờ - mẹ cháu Khanh, cho biết ngay từ khi sinh ra cháu đã mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Chi phí chữa trị rất tốn kém. Với gia đình mà thu nhập chỉ trông chờ vào cây lúa như vợ chồng chị thì hoàn toàn không có khả năng chi trả.

Nhưng may mắn, trong lúc tưởng như bế tắc, chị được chính quyền địa phương kết nối với Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1 và được Trung tá Trần Hữu Huy hỗ trợ mỗi tháng 300 ngàn đồng. Khoản tiền đó vừa có ý nghĩa khích lệ vợ chồng chị vượt qua khó khăn vừa giúp cháu Khanh có thêm chi phí thuốc thang. “Từ lúc 5 tháng tuổi cháu đã phải đi viện truyền máu, chi phí tốn kém. Trong khi đó, bố cháu tai nặng, không đi làm thuê được. Mẹ con trông chờ vào mấy sào ruộng, được mùa thì cũng mới đủ ăn. Nhờ có chú Huy hỗ trợ suốt hơn 7 năm nay, gia đình mới có thêm chi phí chữa trị và cho cháu đến trường”, chị Hoàng Thị Cờ kể.

Xuất phát từ cái tâm nên trong thời gian công tác trên địa bàn xã Chi Lăng, mỗi khi rảnh, Trung tá Huy còn vào tận nơi động viên mẹ con chị Cờ. Khi chuyển công tác về Hà Nội, thi thoảng anh vẫn gọi điện hỏi thăm, đồng thời duy trì khoản tiền hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng để Khanh có thêm điều kiện học tập và trang trải cho việc chữa bệnh. Từ tình cảm và sự quan tâm ấy nên từ lâu, Lẹo Tuấn Khanh coi Trung tá Huy như người cha thứ hai của mình. Em tự hứa với bản thân sẽ luôn cố gắng học tập để đáp lại mong mỏi của bố mẹ và Trung tá Trần Hữu Huy.

Tương tự, cháu Hoàng Kim Tuyến cũng có nguy cơ thất học nếu không nhận được sự động viên và khoản hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng của Trung tá Huy trong hơn hai năm qua. Lau nước mắt vì cảm thương cho số phận của mình và thiệt thòi của con, chị Cao Thu Hiền - mẹ của cháu Hoàng Kim Tuyến chia sẻ “Em làm đám cưới được vài tháng thì chồng mất. Sức khỏe của em rất kém, em không làm được gì nên không thu nhập. Nguồn sống của hai mẹ con chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp của nhà nước và khoản hỗ trợ của đồng chí Huy”.

Mới học lớp 4 nhưng cô bé Hoàng Kim Tuyến như trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa. Em hiểu rằng nhờ có sự hỗ trợ của Trung tá Huy nên mới có cơ hội cắp sách tới trường. Như một cách để đáp tình cảm đó, đồng thời tận dụng cơ hội để vươn lên, suốt 4 năm học vừa qua, em đều đạt danh hiệu học sinh suất sắc của Trường Tiểu học Chi Lăng.

Nếu nói rằng những lời động viên và khoản tiền hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng là động lực để mẹ con chị Hiền và chị Cờ vươn lên thì đó cũng là yếu tố giúp chị Triệu Thị Thu và con chị - cháu Kiến Văn, có thêm khát vọng thay đổi cuộc sống.

Đôi chân khuyết tật, chị Thu mất khả năng lao động. Không nghề nghiệp, không việc làm và không thu nhập nên chị không biết lấy gì để nuôi con. Bé Kiến Văn - con chị, cũng ít có khả năng được đến lớp nếu không nhận được khoản tiền hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng của Trung tá Trần Hữu Huy. Vì lẽ đó, Trung tá Huy chẳng khác nào ân nhân. Nghĩa cử của anh còn là liều thuốc tinh thần, giúp chị có thêm nghị lực để vượt qua nghịch cảnh. “Khi còn bé, em bị một trận sốt, bị biến chứng nên đôi chân phát triển không bình thường. Em phải ngồi xe lăn. Nguồn hỗ trợ của anh Huy dành cho mẹ con em là rất quý giá, vì đó còn là nguồn động viên để em tự dặn bản thân mình phải cố gắng thích nghi hoàn cảnh. Từ đáy lòng, em xin cảm ơn anh Huy về tình cảm và sự quan tâm anh đã dành cho mẹ con em trong những năm vừa qua”, chị Thu chia sẻ.

Từ sự đổi thay trong cuộc sống cũng như tâm tưởng của mẹ con chị Cờ, chị Hiền và chị Thu, có thể nói khoản trợ giúp của Trung tá, Trần Hữu Huy là rất thiết thực và mang nhiều ý nghĩa. Không chỉ giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thêm cơ hội, điều kiện học tập để thay đổi số phận mà còn là động lực để những người cha, người mẹ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Việc làm từ cái tâm và sự biết ơn

Công tác trong lực lượng vũ trang, thu nhập hàng tháng của Trung tá Trần Hữu Huy không nhiều. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, anh còn dành hàng chục suất học bổng cho những học sinh có thành tích học tập suất sắc, tiêu biểu tại địa bàn quận Long Biên - nơi anh sinh sống và tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương - quê hương của anh. Mỗi suất có giá trị từ 1.020.000 đồng đến 1.620.000 đồng. Những trường nhận được số học bổng này trong những năm học vừa qua có thể kể đến là: THCS Phúc Lợi, THCS Chu Văn An, THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội), Trường Tiểu học và THCS Bình Minh, Trường THPT Bình Giang (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Một số gia đình chính sách tại tỉnh Hải Dương, Quảng Trị và Trà Vinh cũng nhận được sự quan tâm, chăm lo của Trung tá Trần Hữu Huy với số tiễn hỗ trợ từ 300.000đ - 600.000đ/người/tháng.

Đề cập việc làm này, Trung tá Trần Hữu Huy chia sẻ anh thấy mình là người may mắn khi được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, được sống trong hòa bình và tự do. Anh cũng hiểu rằng để có được những điều vô giá này, cha ông ta đã phải đánh đổi biết bao xương máu mới có được. “Làm công tác nghiên cứu về lịch sử quân sự, tôi hiểu được phần nào mất mát của các gia đình thương binh, liệt sỹ. Tôi biết ơn những người đã hy sinh để đất nước có được hòa bình, độc lập như hôm nay. Đó là một trong những lý do tôi muốn dành một phần tiền lương, toàn bộ các khoản thù lao nhuận bút từ các bài báo, các công trình nghiên cứu khoa học... để hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, đồng thời trợ giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”, Trung tá Huy chia sẻ.

Trung tá Huy cho biết với tâm nguyện đó nên mỗi khi về thăm các gia đình, thấy cuộc sống của họ vơi bớt khó khăn, anh đều rất mừng. Vợ và các con của anh cũng thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nên đều ủng hộ, đồng thời vui cùng niềm vui của anh.

“Tôi rất tự vào về việc mình làm. Tôi hay nói với vợ và dạy các con rằng gia đình mình đã khơi ra dòng chảy của tri thức và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, kết hợp giữa lao động và giúp đỡ các gia đình chính sách, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Hãy coi đó là niềm hạnh phúc, động lực để sống và làm việc”, Trung tá Huy chia sẻ.

Lan tỏa yêu thương và tinh thần trách nhiệm

Sẽ không quá lời khi ví tâm nguyện, nghĩa cử của Trung tá Trần Hữu Huy như làn gió mát lành, góp phần lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lối sống nhân ái trong cộng đồng. Như tại tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, và xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, nhiều cán bộ, đảng viên nơi đây, khi biết tấm lòng và việc làm của Trung tá Trần Hữu Huy đều thấy mình cần học tập, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác đền ơn đáp nghĩa. “Tấm lòng, việc làm của Trung tá Huy thể hiện sự trị ân, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì tổ quốc. Nhìn vào việc làm của đồng chí Huy, chúng tôi bảo nha rằng cần cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa việc chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách trên địa bàn”, ông Ngô Ngọc Thuấn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.

Nghĩa cử của đồng chí Huy góp phần làm đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống hôm nay. Với cá nhân, tôi thấy mình cần cố gắng hơn để cũng có thể làm những việc tương tự cho các gia đình còn khó khăn trên địa bàn”, bà Lê Thị Kim Dung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ.

Noi gương cha mẹ, cháu Trần Minh Hòa (con gái lớn của Trung tá Trần Hữu Huy) cũng luôn phấn đấu trong học tập và cuộc sống hàng ngày. Nhiều năm liền, cháu đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và một số giải thưởng trong các cuộc của trường và quận Long Biên, Hà Nội. Năm 2022, em được UBND quận Long Biên tặng giấy khen gương người tốt việc tốt…

Từ câu chuyện về tâm nguyện và những việc làm của Trung tá Trần Hữu Huy, có thể nói lòng biết ơn không đơn thuần là phẩm chất cao quý mà còn là nguồn năng lượng tích cực. Nó giúp mỗi chúng ta thực hành lối sống nhân văn, nhân ái và đạt được kết quả tốt đẹp trong cuộc sống.

Nghe bài viết dưới đây: