Mạo danh lừa đảo tình cảm

"Con mồi" khi bị lừa đảo tình cảm, tin vào tình yêu của đối phương qua mạng, sẽ dễ dàng bất chấp mọi lời khuyên can của người xung quanh và chút lí trí còn sót lại để chuyển tiền hoặc làm bất kỳ điều gì mà "người yêu" yêu cầu.

Thường là những người cô đơn hoặc dễ bị tổn thương, đang gặp vấn đề trong hôn nhân đều có thể là mục tiêu của những kẻ lừa đảo tình cảm. Chúng thường sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin chi tiết về các mục tiêu tiềm năng. Sau đó, chúng tạo danh tính trực tuyến giả mạo và liên hệ với "con mồi".

Thạc sĩ Phạm Thị Hiền – Quản lý dự án và đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Vietnet, chuyên gia đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng, phân tích: Những kẻ lừa đảo này không dùng kỹ thuật nào cả mà chỉ nhấn vào tâm lý.

"Họ sẽ thực hiện các cuộc gọi/ nhắn tin trên mạng xã hội để tiếp cận đối tượng mục tiêu. Việc chia sẻ hay khen ngợi từ người xa lạ khiến chị em dễ buông lỏng cảnh giác" - chị Phạm Thị Hiền cho biết.

Hầu hết các vụ lừa đảo đều bắt đầu bằng những tin nhắn riêng tư trên mạng xã hội. Ở Việt Nam, các vụ việc lừa đảo thường xảy ra trên mạng xã hội Facebook hoặc Instagram.

Những kẻ lừa đảo này ăn cắp hình ảnh của người khác, ngụy tạo hồ sơ hoàn hảo và thường nói hiện đang sống ở nước ngoài để tránh phải gặp mặt trực tiếp. Ví dụ, kẻ lừa đảo nói mình là quân nhân, muốn tìm một người bạn đời; Hoặc là bác sĩ đang làm nhiệm vụ quốc tế ở đất nước nào đó, đã ly hôn và có tài sản; Kiểu mới hơn thì kẻ lừa đảo luôn trong trang phục của doanh nhân thành đạt tự xưng là nhà đầu tư tiền điện tử và hướng dẫn con mồi tham gia để nhanh chóng giàu có.

Người "nhẹ dạ cả tin" bị cuốn vào kịch bản mà bọn lừa đảo vạch sẵn. Khi tình yêu đã chín muồi, chúng sẽ lên kế hoạch gặp trực tiếp nạn nhân, hứa hẹn cầu hôn, tặng quà có giá trị nhưng luôn “bốc hơi” ở phút chót vì lý do nào đó. Hai tình huống lừa đảo phổ biến xảy ra:

-Để nhận được quà giá trị từ "người tình" đang ở xa, người nhận phải chuyển một khoản tiền vào tài khoản lạ - đồng bọn của những tên lừa đảo.

- Kẻ lừa đảo lấy cớ gặp trục trặc ở sân bay, cần "người yêu" trợ giúp một khoản tài chính. Một số người sẽ tin thật và không ngần ngại chuyển tiền để mong sớm gặp "người trong mộng".

Anh Đinh Trần Tuấn Linh - Giám đốc Công nghệ Unikon Việt Nam cho biết sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là AI) như ChatGPT đang bị những kẻ xấu lợi dụng để phục vụ cho việc lừa đảo.

"Ngay sau 2 tuần OpenAI công bố GPT-4 thì đã dấy lên nhiều quan ngại về tin tức giả, về các cuộc gọi lừa đảo tăng chóng mặt được ghi nhận trên thế giới. Họ sử dụng AI để giả giọng người thân của bạn, xây dựng kịch bản dựa vào hành vi của bạn để lừa bạn. Những kịch bản đấy đội lừa đảo đã có sẵn rồi. Bây giờ họ tối ưu, tự động hóa và nhân rộng hàng chục nghìn lần" - anh Đinh Trần Tuấn Linh nói.

Chậm lại trước khi chuyển tiền

Người trung niên và cao tuổi sống một mình hoặc hôn nhân có vấn đề thường muốn tìm người bầu bạn. Ranh giới giữa bầu bạn tâm sự và u mê thường rất mong manh. Các chuyên gia cho rằng ở thời đại công nghệ, chúng ta nên phòng tránh trước khi xảy ra rồi mới tìm giải pháp.

- Không đăng tải chi tiết thông tin cá nhân lên mạng: tình trạng hôn nhân, thành viên, giấy tờ tùy thân (CCCD, Hộ chiếu...), các chuyến đi... Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng thông tin đó để hiểu về hành vi của bạn.

- Nếu người lạ gửi tin nhắn trực tiếp riêng tư, hãy thận trọng. Thực hiện tìm kiếm ngược ảnh thông tin của người đó để xem các chi tiết có khớp không. Chuyên gia Phạm Thị Hiền nói rằng chúng ta có thể kiểm tra ngược lại: Ví dụ nếu xưng là nhân viên của ngân hàng thì hãy gọi lại cho ngân hàng đó hoặc tìm trên các trang web chính xác của tổ chức, cá nhân đó.

-Hãy cảnh giác nếu người đó luôn viện lý do tại sao không thể gặp mặt trực tiếp. Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền hoặc gửi tiền điện tử cho bất kỳ ai chỉ mới quen trên mạng. Cách tốt nhất theo chuyên gia Phạm Thị Hiền đó là khi ai đó yêu cầu hoặc nhờ mình chuyển khoản thì hãy chậm lại trước khi hành động.

"Càng giục mình nhanh thì mình càng phải từ từ để xác minh. Bất kể khi nào mình thấy tâm lý của mình bị tác động, mình sợ hãi quá thì phải hiểu hệ thống phòng thủ của mình đang bị hạ xuống thấp, mình dễ làm theo lời người khác"

-Ai đó đưa cho ta lợi nhuận bất ngờ và khó tin thì đó là dấu hiệu của lừa đảo.

Nếu rơi vào trường hợp đó, chúng ta không nên im lặng. Hãy trao đổi với người thân, bạn bè câu chuyện của mình. Người ngoài cuộc bao giờ cũng tỉnh táo hơn, họ sẽ cho chúng ta lời khuyên trước khi bạn quyết định chuyển khoản cho kẻ lừa đảo hay không.

Nghe chương trình tại đây: