Chính sách pháp luật về hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tiếp cận việc làm được đánh giá là đầy đủ. Tuy nhiên, đối tượng này hiện vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận cơ hội học nghề và việc làm. Nhiều người dù còn khả năng lao động và hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc nhưng vẫn bị từ chối khi gõ doanh nghiệp xin việc làm. Trường hợp xảy đến với chị Đinh Thị N, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội là một điển hình. Chị bị teo một bên chân, đi lại gặp đôi chút khó khăn. Songbù lại, chị là người thông minh và nhạy bén. Học xong Trung học phổ thông, chị thi đỗ và tiếp tục học lên Đại học, chuyên ngành sư phạm với mơ ước trở thành một giáo viên. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, chị những tưởng tương lai sẽ rộng mở với mình. Nhưng chưa kịp ăn mừng chị đã phải nếm trải nỗi buồn khi mang hồ sơ xin việc đi gõ cửa các nhà trường. “Ao ước trở thành một giáo viên nên khi ra trường tôi làm đơn đi xin việc tại nhiều trường học. Tôi chỉ xin dạy hợp đồng thôi nhưng các nơi đều từ chối. Họ nói đủ người rồi”, chị N kể.

Tự động viên mình không được nản chí, chị N tiếp tục tìm kiếm cơ hội trở thành giáo viên ở những cơ sở giáo dục tư thục. Tuy nhiên, những gì chị nhận được vẫn chỉ là những cái lắc đầu. Dù vẫn thèm khát được đứng trên bục giảng nhưng sau đó, chị phải chuyển hướng tìm việc nhằm gia tăng cơ hội tìm được việc làm. “Tôi đi gõ cửa nhiều doanh nghiệp, chỉ mong có việc gì đó để làm, việc gì cũng được. Có nơi, tôi vừa đến thì người ta nhìn vào chân tôi và từ chối khéo. Tôi bảo là cứ cho cháu làm, người ta làm như thế nào cháu làm được như thế nhưng người ta vẫn từ chối”, chị N ngậm ngủi kể lại.

Không còn cách nào khác, để đảm bảo cuộc sống, chị phải tự tạo việc làm cho mình bằng cách mở một cửa hàng hoa tươi. Rồi sau đó, khi có tiềm lực, chị mở rộng sang kinh doanh dịch vụ và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Tình cảnh tương tự cũng xảy đến với anh Nguyễn Ngọc Bảo, ở Hà Nội. Sau vụ tai nạn, anh Bảo phải cắt bỏ một bên chân. Không chỉ đau đớn về thể chất, anh còn bị sốc về tâm lý vì từ một thanh niên khỏe mạnh bỗng trở thành người khuyết tật. Song nỗi đau chưa dừng lại ở đó khi anh bình phục và muốn đi làm trở lại. Vì khuyết một bên chân nên khó khăn lắm anh mới tìm thấy những vị trí tuyển dụng phù hợp với sức khỏe. Đáng buồn hơn, tới đâu cũng vậy, khi gõ cửa xin việc, anh đều bị từ chối thẳng thừng. “Em mất một chân bên trái. Sau một thời gian đi xin việc không được, em nhận thấy không chỉ em mà các bạn khuyết tật đi xin việc đều rất khó”, anh Bảo chia sẻ.

Đúng như những gì anh Bảo vừa chia sẻ, hiện nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động và hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc nhưng vẫn bị doanh nghiệp từ chối. Dù biết pháp luật đã có quy định khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm nhưng họ không thể làm gì khác, đành ngậm ngùi chấp nhận thực tế phũ phàng và quay về, tìm cách tự tạo việc làm cho mình.

Dịch bệnh đang khiến số lao động bị mất việc làm tăng lên. Khả năng tìm được việc làm của người khuyết tật vốn đã ít lại càng thêm khó. Mong rằng những người làm chính sách sẽ nhìn nhận vấn đề này, trên cơ sở đó rà soát, đánh giá lại các quy định về hỗ trợ người khuyết tật học nghề và tiếp cận việc làm để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp cũng cần có cái nhìn khách quan về khả năng lao động của người khuyết tật khi tuyển dụng.

Nghe bài viết dưới đây: