Trước đây, người Lô Lô - dân tộc ít người, ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chủ yếu chỉ sống dựa vào cây lúa trên nương, cây ngô trồng xen trong kẽ núi đá. Gia đình anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn, kiêm Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú không phải ngoại lệ. Anh cho biết quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, song cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. “Vài năm trước, nhà tôi chỉ trồng ngô. Được mùa, được giá thì mới đủ ăn. Năm nào mùa màng kém thì thiếu đói 2-3 tháng”, anh Sình Dỉ Gai kể.

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Giờ đây, vẫn trên mảnh đất ấy, mỗi năm anh Gai bỏ túi cả trăm triệu đồng. Nỗi vất vả, nhọc nhằn cũng vơi đi nhiều phần nhờ sự thay đổi về mô hình phát triển kinh tế. Thay vì trồng ngô, 10 năm nay anh tập trung phát triển dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay phục vụ khách du lịch. “Tôi bắt đầu làm từ 2011. Đó là dịp một vị cán bộ của Đại sứ quán Luxembourg, lên đây du lịch. Họ tài trợ cho 3 gia đình làm dịch vụ homestay, trong đó có nhà tôi. 2 nhà hàng xóm của tôi thất bại, chỉ có mình nhà tôi làm được”, anh Sình Dỉ Gai nhớ lại.

Thành công ban đầu giúp anh Sình Dỉ Gai nhận ra tiềm năng cũng như thế mạnh của cao nguyên đá Đồng Văn. Anh bàn với vợ bán ngô, bán thóc rồi đầu tư làm thêm phòng nghỉ. May mắn tiếp tục gõ cửa, khách du lịch về Hà Giang ngày càng nhiều, anh Gai không chỉ sớm thu hồi được vốn mà còn có lãi. Cứ như vậy, mô hình homestay của anh Sình Dỉ Gai phát triển theo từng năm. “Thấy khách càng đông lên, năm 2014 tôi làm thêm 1 ngôi nhà theo truyền thống của dân tộc Lô Lô nữa. Đến năm 2017, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tôi đầu tư tiếp 1 nhà nghỉ homestay và 1 nhà ăn cho khách”, anh Sình Dỉ Gai cho biết.

Anh Gai cho biết phòng riêng có giá 200.000 đồng/đêm. Còn với phòng tập thể, anh thu 100.000 đồng/người. Vào mùa cao điểm, dịp cuối tuần, anh đón cả trăm khách du lịch từ các tỉnh, thành phố dưới xuôi lên tham quan, khám phá công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Đặc biệt, vào mùa hoa tam giác mạch, homestay của anh gần như "cháy phòng". Vì thế, từ năm 2017, trừ mọi chi phí anh thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Thấy anh Sình Dỉ Gai phát triển dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ khác trong thôn cũng học tập làm theo. Dù thu nhập còn khiêm tốn nhưng toàn bộ các hộ này đều đã thoát nghèo bền vững. “Hiện nay ở Đồng Văn có khoảng 23 hộ làm dịch vụ lưu trú homestay. Những năm trước, các hộ này chủ yếu làm nương và chăn nuôi nhỏ lẻ. Khi có chủ trương phát triển du lịch, họ chuyển sang kinh doanh dịch vụ lưu trú. Hội Nông dân có cho các gia đình này vay vốn từ các nguồn quỹ của Hội. Giờ đây, họ đều đã thoát nghèo và có thu nhập tốt, điển hình là hộ anh Sình Dỉ Gai”, anh Hoàng Minh Đức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết.

Không chỉ tiên phong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ làm nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay, anh Sình Dỉ Gai còn đi đầu trong việc phát triển các dịch vụ du lịch như ăn uống, khám phá nét đẹp văn hóa của người Lô Lô…Thu nhập của gia đình anh vì thế năm sau cao hơn năm trước. Anh cho biết, hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu giảm sút. Tuy nhiên, anh tin rằng với chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngành du lịch nói chung sẽ sớm phục hồi, hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay của anh nói riêng cũng sẽ sớm khởi sắc trở lại.

Nghe bài viết dưới đây: