Lướt video ngắn cho đến khi điện thoại hết pin hoặc ngủ quên
Định lướt video ít phút trước khi đi ngủ nhưng nhiều hôm Gia Linh (24 tuổi) thức đến sáng vì mải xem nội dung ngắn trên Tiktok hay Youtube. Xem review phim hay các nội ăn uống nhằm giải trí...nhằm “giết thời gian”. Giờ đây xem video ngắn trở thành thói quen khó bỏ với Linh.
“Một ngày, nếu không phải đi làm mình có thể dành 7-8 tiếng, thậm chí 10 tiếng đồng hồ liên tục để lướt video ngắn. Mình cứ lướt (video ngắn) trong vô thức. Dù đang làm bất cứ một điều gì mình cũng đều trong trạng thái lướt mạng xã hội. Việc kết thúc thời gian lướt video ngắn chỉ thực sự kết thúc cho đến khi điện thoại hết pin hoặc bị ngủ quên”. Linh cho biết, xem video ngắn trên mạng xã hội giúp Linh cảm thấy bớt trống vắng và cô đơn.
Lâu dần, việc xem video ngắn khiến Gia Linh không kiểm soát được thời gian và rơi vào trạng thái kiệt sức. Em cảm thấy mắt bắt đầu mờ hơn, trí nhớ và khả năng tập trung cũng suy giảm.
![Video ngắn trên mạng xã hội có sức "mê hoặc" nhiều bạn trẻ. Ảnh minh họa](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/nghien-clip-ngan-vov2.jpg)
Ứng dụng đo thời gian dùng app điện thoại của Cẩm Tú – sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội cho thấy thời gian sử dụng Tiktok cao gấp 3-5 lần ứng dụng khác. Trung bình mỗi ngày, Tú dành 5-7 tiếng đồng hồ lướt video ngắn bất kể ở đâu trong khoảng thời gian từ 9h sáng hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
“Mỗi buổi sáng ngủ dậy, việc đầu tiên của em là nằm lướt tiktok vô thức từ 9h đến 12h, mặc kệ deadline. Em lướt đến cái độ mà video không đề xuất thêm nội dung mới buộc phải quay sang ứng dụng khác để xem tiếp”.
Xem video ngắn trong lúc ăn, tắm, thậm chí là học bài, Tú cho biết “mỗi khi buồn ngủ mà lướt một cái là lại không buồn ngủ nữa”. Chính vì vậy, nữ sinh này luôn rơi vào “vòng lặp” tối thì ngủ muộn và sáng cũng dậy muộn luôn.
Đã quen với những nội dung ngắn, không cần tư duy trên mạng xã hội, Cẩm Tú cảm nhận khả năng tập trung của mình giảm đi đáng kể. “Ngày trước, xem youtube em có thể xem trọn vẹn một video 30 phút không tua nhưng kể từ khi dùng tiktok nó bị chi phối nội dung ngắn nên giờ xem cái gì em cũng muốn tua nhanh để biết diễn biến như thế nào. Em không để ý chi tiết trong video đấy nữa”.
Ngoài trạng thái mệt mỏi, uể oải về thể chất, Gia Linh lúc nào cũng cảm thấy trống rỗng sau khi lướt qua hàng trăm video ngắn. “Tuy nhiên, chẳng hiểu sao mình cứ muốn mở nó lên thôi”, Linh nói.
Nhận thấy video dạng ngắn đang làm mất quá nhiều thời gian của mình, Ngọc Duyên – nhân viên văn phòng (27 tuổi) cũng từng thử “cai nghiện” nó bằng cách xóa bỏ tiktok, instagram. Thế nhưng chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đấy:
“Mình xóa được một thời gian thì tải lại vì khi rảnh rỗi không có việc gì làm. Mình cần một thứ gì đó để giải trí, ứng dụng khác không đáp ứng được điều này. Hơn nữa, những video ngắn giúp em cập nhật thông tin nhanh, một phần phục vụ công việc nên mình dùng như một thói quen khó bỏ”.
Nghiện video ngắn và mối liên hệ với hormone Dopamine
Nghiện xem video ngắn trên mạng xã hội, nhiều người trẻ rơi vào trạng thái đờ đẫn, bị rút cạn năng lượng. Nhận thức được những tác động dó nhưng cai nghiện clip ngắn không phải dễ dàng, họ bị cuốn vào vòng lặp xóa rồi tải lại app.
Video ngắn có thời lượng giới hạn trong 60 giây từng làm nên thương hiệu của TikTok, trước khi lan sang các mạng xã hội khác. Trên Instagram và Facebook của Meta, loại hình này có tên Reels, còn trên YouTube là Shorts. Dù là video dạng ngắn nhưng không ít người đang mất quá nhiều thời gian cho nó. Thậm chí, rơi vào tình trạng “lướt” video ngắn mất kiểm soát.
Tiêu thụ quá mức các nội dung trực tuyến tầm thường hoặc không mang tính thử thách đang tạo ra những hệ quả khó lường. Đáng chú ý, nó là tác nhân khiến suy giảm trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người. Tình trạng này được định nghĩa là Brain rot (thối não). Đây là cũng chính là thuật ngữ được Oxford công bố là cụm từ đại diện cho năm 2024.
‘Nghiện’ mạng xã hội đã trở thành căn bệnh thời đại. Bác sĩ Nguyễn Văn Công - Sáng lập nền tảng hỗ trợ sức khoẻ tinh thần Safe and Sound, Viện trưởng viện Ứng dụng công nghệ y tế IMT cho biết, các video ngắn trên mạng xã hội kích thích một mô hình tưởng thưởng trong não bộ. Các clip này đáp ứng những nhu cầu được thoả mãn ngay của con người. Ví dụ, nhu cầu tìm một thứ mới lạ, xem một cái gì đó chưa thấy bao giờ.
Xem các video ngắn này khiến cho não bộ tiết ra hormone Dopamine. Đây là hormone có tính chất tưởng thưởng rất cao. Dopamine tiết ra trong quá trình xem clip ngắn liên tục sẽ khiến não bộ luôn tìm kiếm trạng thái tiết Dopamine tiếp theo.
“Vì vậy, nó rất dễ nghiện. Đây chính là nghiện một chất tưởng thưởng gọi tên Dopamine”, bác sĩ Nguyễn Văn Công cho biết.
![Bác sĩ Nguyễn Văn Công - Sáng lập nền tảng hỗ trợ sức khoẻ tinh thần Safe and Sound, Viện trưởng viện Ứng dụng công nghệ y tế IMT](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/bs_nguyen_van_cong.jpg)
Để phân biệt được việc xem các video ngắn giải trí thông thường và hội chứng “nghiện mạng xã hội”, bác sĩ Nguyễn Văn Công cho rằng cần nhìn vào cách mọi người kiểm soát thời gian xem ra sao.
“Ví dụ, ngày hôm nay bạn thưởng cho mình 10 phút nghỉ ngơi và chỉ xem đúng 10 phút. Đó là lúc bạn vẫn kiểm soát được thời gian xem và không bị nghiện các video ngắn. Tuy nhiên, khi bạn xem hàng giờ đồng hồ liên tục, ảnh hưởng đến công việc, học tập và các mối quan hệ giao tiếp với người khác thì chắc chắn bạn đang gặp vấn đề nghiện hormone Dopamine tiết ra bởi việc xem những clip ngắn này”.
Xây dụng giới hạn cho bản thân
Nghiện clip ngắn ảnh hưởng đến nhiều trụ cột quan trọng về sức khỏe.
Đầu tiên là mắt. Khi liên tục tiếp xúc với ánh tráng trắng, mắt bạn có thể bị tổn thương. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tiếp đến là ảnh hưởng đến cơ xương khớp khi giữ nguyên một vị trí trong nhiều giờ liền. Nghiện mạng xã hội còn có thể gây ra tình trạng căng thẳng, dẫn đến mất ngủ. Thậm chí gây ra chứng lo âu, trầm cảm và giảm năng suất lao động, học tập.
Ngoài ra, nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe xã hội. “Chúng ta quên tương tác xã hội thì sức khỏe xã hội của chúng ta cũng đang bị suy giảm”.
Khi liên tục nạp các tư duy đơn giản trong thời gian dài từ các video ngắn, não bộ sẽ dần mất đi khả năng tập trung, tư duy sâu sắc, khả năng liên kết những thành phần trong não cũng giảm đi. Từ đó, chúng ta sẽ học kém hơn, tư duy ngắn hạn hơn, chúng ta không thể tư duy được những thứ lớn hơn và lâu dài hơn.
Để tránh những hệ lụy tiêu cực từ chứng “nghiện” video ngắn, bác sĩ Nguyễn Văn Công khuyên bạn trẻ xây dựng giới hạn cho bản thân mình.
“Ngày hôm nay bạn thưởng cho mình chỉ 10 phút xem. Nếu vượt quá mức đó thì hãy tắt đi. Hiện nay, chính các thiết bị thông minh có thể giúp chúng ta giới hạn thời gian xem của mình”.
Ngoài cái, bạn trẻ cũng nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao, tương tác xã hội nhiều hơn để không bị phụ thuộc và chi phối bởi các thiết bị công nghệ và những nội dung clip ngắn.
Nghe chương trình tại đây: