“Cha đẻ” của Discorobo – đồ chơi gây sốt trên thế giới cách đây 10 năm
Cách đây 10 năm, đồ chơi có tên gọi Discorobo của Công ty Tosy với khả năng cảm nhận và nhảy theo nhạc một cách điệu nghệ cùng những biểu cảm đáng yêu trên khuôn mặt đã gây sốt không chỉ tại Việt Nam mà còn có mặt tại một loạt các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Úc, Brazil... Ít ai biết được, cha đẻ của đồ chơi này là một người Việt Nam, anh Kiều Quốc Công.
Để sản phẩm đồ chơi trẻ em công nghệ cao DiscoRobo có thể ra mắt được thị trường là cả một quá trình dài công phu của người làm nghề.
“Mình cũng không mất quá nhiều thời gian để hình thành ý tưởng nhưng để thiết kế thì mình phải mất khoảng từ 1 đến 2 tháng để có thể chốt được hình dáng của nó, sản phẩm sẽ như thế nào. Từ khi có ý tưởng đến lúc mà có thể khớp được kết cấu với các bên như cơ khí, điện tử hay là những bên sản xuất nữa thì nó mất cũng phải 2 năm mới ra được sản phẩm chính thức”, anh Công chia sẻ.
Cùng với Discorobo, những sản phẩm anh Công cho ra thị trường và được khách hàng chấp nhận không dưới con số 20 như xe tập đi bằng gỗ, xếp hình, các loại đồ chơi bằng gỗ.
Nhà Thiết kế đồ chơi phải tự phác thảo bằng tay, dựng hình khối trên máy và vẽ từ nhiều góc độ, từ phía trên, từ đằng trước, từ cạnh bên với ghi chú kích thước chính xác tuyệt đối. Để thiết kế ra một sản phẩm, ngoài căn cứ vào giai đoạn phát triển của trẻ, vào thẩm mỹ, thì yếu tố an toàn là điều quan trọng nhất.
Từ những ý tưởng được hình thành trong đầu, cho đến khi sản phẩm hiện hữu trên tay người sử dụng là cả một quá trình đầy công phu, sáng tạo, ấy vậy mà anh Kiều Quốc Công – người gắn bó và sống được với nghề lại có triết lý vô cùng giản đơn: “chỉ cần bạn có sự say mê thiết kế, tình yêu với trẻ em, mong muốn tạo nên những món đồ chơi mới lạ là bạn có thể trở thành một nhà Thiết kế đồ chơi”.
Nghề Thiết kế đồ chơi nhiều áp lực nhưng cũng nhiều cơ hội
Anh Quốc Công thẳng thắn chia sẻ, nghề thiết kế đồ chơi tại Việt Nam có nhiều khó khăn và áp lực hơn so với các nước khác. Bởi thứ nhất, khả năng sản xuất và khả năng tiếp cận với công nghệ của Việt Nam có phần còn hạn chế. Thứ hai, nhu cầu phát triển sản phẩm của các công ty chưa được hình thành rõ. Khi phát triển đến một tầm khá lớn rồi, họ mới bắt đầu có tư duy nghĩ đến việc phát triển sản phẩm riêng. Điều kiện sản xuất của Việt Nam cũng chưa được hoàn thiện, “có rất nhiều sản phẩm mình thiết kế ra nhưng để triển khai thì có thể còn phải chờ khá lâu mới có thể hiện thực hóa được”. Hơn nữa, thị trường đồ chơi Trung Quốc tràn sang Việt Nam rất nhiều với giá thành rẻ cũng là một sự cạnh tranh rất lớn với việc thiết kế đồ chơi của Việt Nam.
Tuy vậy, trong tương lai nhu cầu của ngành Thiết kế đồ chơi khá nhiều. Bởi vì Việt Nam đang phát triển dần định hướng về công nghiệp. Các nhà máy, các xí nghiệp bắt đầu mở ra và có nhu cầu cao hơn về việc cần nhân sự thiết kế. Trên thế giới, nhiều nhà máy sản xuất đồ chơi cũng bắt đầu dịch chuyển sang Việt Nam. Đây cũng là một xu hướng rất tốt. Ví dụ như Lego - công ty đồ chơi lớn nhất thế giới sẽ đầu tư một nhà máy rất lớn ở Bình Dương. “Chính vì thế nên là cơ hội của các bạn về tương lai cho ngành nghề là rất là thuận lợi”, anh Công khẳng định.
Muốn theo nghề Thiết kế đồ chơi, các bạn trẻ có thể học chuyên ngành Thiết kế đồ chơi nằm trong Khoa Thiết kế công nghiệp của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể phát triển từ những ngành thiết kế sản phẩm ở các trường khác như Đại học Văn Lang, Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh hoặc một số trường có ngành thiết kế công nghiệp, sau đó có thể phát triển sâu hơn về chuyên môn Thiết kế đồ chơi.
Nghe chia sẻ của anh Kiều Quốc Công trong chương trình Hành trình nghề nghiệp tại đây: