Quảng Ninh và Hà Nội dưới tác động của gió mạnh cấp 13,14, giật cấp 17 đã làm tung mái nhà, vỡ cửa kính, tràn mưa vào nhiều hộ gia đình và khiến cây đổ ngổn ngang đè lên xe cộ, nhà dân và gây thiệt hại cả về người.
Nhiều người dân ở Hà Nội lâu năm thốt lên rằng chưa khi nào chứng kiến trận bão khủng khiếp đến vậy. Vừa dọn dẹp cây cối bị bão quật đổ, các lực lượng chức năng và cư dân Thủ đô đã và đang cố gắng trả lại vẻ phong quang cho đường xá trong lúc vẫn phải lo mất an toàn khi mưa lớn diễn ra, nước các con sông đều dâng cao.
Bách Thảo, lá phổi xanh của thành phố ngày thường sáng sớm hay chiều muộn đều đông đúc người đến tập thể dục hay dạo bộ buộc phải đóng cửa khi số cây gẫy đổ nhiều không đếm xuể tạo thành một mớ hỗn độn, không nhận ra đâu là đường đi, đâu là thảm cỏ.
“Gần 40 tuổi, gắn bó với Hà Nội từ nhỏ, chưa khi nào tôi chứng kiến trận bão mà sau đó cây đổ nhiều đến vậy. Những cây đại thụ nhiều hơn tuổi và gắn với tuổi thơ, làm bóng mát cho con đường đi học, cho những trưa hè trốn nhà đi chơi nay đổ rạp xuống đường. Và còn nhiều cây nữa theo tôi vẫn tiềm ẩn nguy hiểm”, anh Nguyễn Đức Tiến, một thành viên của đội tình nguyện phường Ngọc Hà đang cùng lực lượng của mình đeo găng tay, thiết bị bảo hộ đang cố gắng dọn dẹp khu vực cổng ra vào chia sẻ.
Công cuộc dọn dẹp thành phố sau bão đến thời điểm này đã quá sức của lực lượng chức năng khi lượng cây gẫy đổ quá nhiều, thêm nguy cơ ngập lụt ngoài đê rồi những trận mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Sáng 9/9, chị Nguyễn Thị Tươi, nhà ở phố Phùng Hưng, Hoàn Kiếm mới dọn được lối ra vào trước nhà. Không có thiết bị chuyên dụng cho việc cưa cắt cành gẫy, chị Tươi dùng dao, cố gắng chặt nhỏ cành để đủ sức kéo chất thành đống, chờ đến lượt được bên môi trường chở đi. Dùng chổi vun nốt cành vụn và lá, mãi tới gần trưa ngày 10/9 các thành viên trong nhà mới có lối đưa xe máy ra. Trong lúc dọn dẹp, chị Tươi phải đội mũ bảo hiểm vẫn dùng để đi xe máy.
“Có vô số cành gẫy lủng lẳng trên cao chưa có phương án cắt đưa xuống thực sự rất nguy hiểm cho người đi đường và cả cư dân. Tuy nhiên, ở thời điểm lượng công việc dọn dẹp khắc phục sau bão đang trong tình trạng quá tải thì tôi nghĩ mỗi người cần tự ý thức đảm bảo an toàn cá nhân là điều quan trọng”, chị Tươi cho biết.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn sau bão
Theo dự báo, hoàn lưu bão cùng nước ở thượng nguồn đổ về sẽ tiếp tục tạo nên nguy cơ mất an toàn cho cư dân thành phố.
“Ví dụ như Hà Nội chẳng hạn, có khoảng 10% số cây đổ thì 90% cây còn tiềm ẩn nguy cơ giống như chiếc răng trẻ con lung lay sẵn rồi, chưa gẫy hay đổ hẳn. Chỉ cần một trận bão nhẹ sau đó hoặc gió mạnh cũng có thể khiến nguy hiểm xảy đến. Vậy nên nguy cơ liên quan đến những cây, cành cây sau bão mà chưa đổ gẫy ngay vẫn còn nhiều, đòi hỏi cơ quan chức năng cũng như người dân phải chú ý nhằm tránh những tai nạn thứ cấp có thể xảy ra hậu bão”, ông Nguyễn Danh Khoa, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn Việt Nam phân tích.
Ngoài cây đổ, cành rơi, kính vỡ, tôn văng theo ông Danh Khoa còn khá nhiều vấn đề gây nguy hiểm. Cụ thể như rò rỉ điện sau bão qua những cành cây, thân cây đổ. Thêm nữa, hoàn lưu bão thường gây mưa ngập. Việc điện rò rỉ theo cột hoặc đứt dây xuống nước sẽ dẫn tới điện lan tỏa trong nước hoặc mặt đất mà nếu không biết chúng ta đi vào khu vực nhiễm điện, thường có bán kính từ 10 đến 20m tính từ tâm điểm chạm đất dễ bị điện giật.
Ngoài ra, những vùng vừa chịu ảnh hưởng bão trực tiếp vừa rồi như Quảng Ninh hay Hải Phòng vẫn có những vật bị kẹt lại sau giông lốc có thể tiếp tục rơi xuống gây ra nguy hiểm.
Ngay trong sáng 9/9, cầu Phong Châu nối hai huyện Lâm Thao với Tam Nông, Phú Thọ bất ngờ sụt xuống khiến người và phương tiện bị nước cuốn trôi.
Những cây cầu gẫy do mưa bão tại Việt Nam và trên thế giới không phải hiếm gặp nhưng nhiều trường hợp thoát nạn lại chính từ phương thức ứng phó.
Từ trường hợp này, ông Danh Khoa đưa ra một vài lưu ý cho các trường hợp người ngồi trên xe, đặc biệt trên ô tô khi rơi xuống nước cần thực hiện ngay. Đầu tiên mỗi người cố gắng cuộn người theo tư thế bào thai nhằm tránh những chấn thương cơ học ở vùng đầu hoặc tay chân khi xe va đập hoặc bị nước cuốn đi.
Khi đi qua cầu hoặc phà nên hạ kính xe để trường hợp xe không may rơi xuống nước sẽ nhiều hơn cơ hội thoát ra ngoài. Khi xe rơi xuống nước, với những xe dưới 7 chỗ nên cố gắng lùi về đuôi xe. Lí do lượng nước tràn vào trong xe chủ yếu từ đầu xe do động cơ đặt ở phía trước. Với xe khách thì lại nên di chuyển về ghế lái để có được lượng không khí nhiều nhất trước khi thoát ra ngoài
“Điều này rất quan trọng vì một chiếc xe đã chìm thì áp suất ở bên ngoài tác động lên thành cửa xe rất lớn khiến chúng ta khó có thể mở được cánh cửa xe. Chỉ khi nước tràn kín trong xe ta mới có thể mở được cửa xe và thoát ra ngoài. Việc may mắn còn cần có thêm những phản xạ tốt mới có thể cứu nạn trong các trường hợp nguy cấp”, ông Danh Khoa khẳng định.
Trong những ngày này, theo ông Khoa mọi người cố gắng hạn chế ra đường ở mức tối đa. Trong trường hợp buộc phải tham gia giao thông cần chú ý tránh xa các cột điện, những quãng có dây điện đứt. Di chuyển bằng xe gắn máy cần chú ý những vật rơi từ trên cao như cành cây nên cần đội mũ bảo hiểm. Trước bão thường xảy ra hiện tượng giông sét. Hạn chế hoặc tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động trong trường hợp có giông sét. Ông Danh Khoa cũng đề xuất việc trang bị kĩ năng an toàn cho trẻ em ngay tại trường học nhằm hình thành và rèn luyện từ sớm cho các em.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: