“Tôi nhớ lại cách đây 30 năm, lúc đó tôi là một Đảng viên trẻ, khi được địa phương cử đi đào tạo, tôi trở về công tác, tham gia Đảng ủy từ tháng 9/1987 cho tới giờ. Tôi luôn suy nghĩ tổ chức tin tưởng mình, nhân dân giao phó thì phải làm được một việc gì đó”. Đây là những chia sẻ đầy trăn trở của Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Đức Tráng, Chủ tịch UBND xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Cuốn Tài liệu nội bộ - “Cẩm nang” của Đảng viên Hồng Dụ

Tháng 8/2010, khi đồng chí Nguyễn Đức Tráng được giao nhiệm vụ làm Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ kiêm Trưởng ban tuyên giáo, ông đã quyết tâm xây dựng “Tài liệu” để dùng cho sinh hoạt nội bộ của các chi bộ và các đoàn thể hàng tháng. Nghĩ là làm, ông Tráng thành lập Ban biên tập, gồm các đồng chí trong ban tuyên giáo, các đồng chí cán bộ, công chức văn hoá, mặt trận tổ quốc, hội cựu chiến binh...

Cuốn sổ nhỏ có tên “Tài liệu phục vụ sinh hoạt Chi bộ và các đoàn thể” tuy chỉ to bằng quyển vở học sinh với hơn 10 trang giấy, nhưng nội dung bên trong thì rất cụ thể, chi tiết như: Thông báo chính sách mới, tăng 12,5% mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông hay kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo…Cuốn tài liệu về đảng được phát hành giống như cuốn “sổ tay” của các đồng chí Bí thư chi bộ ở cơ sở cũng như toàn thể đảng viên xã Hồng Dụ, tổng kết những công việc tháng trước, định hướng những công việc trong tháng tới.

Với những thông tin hết sức gần gũi và thiết thực với người dân, những thông tin, báo cáo tưởng chừng khô khan lại trở nên hấp dẫn.

Điều quan trọng nhất theo ông Tráng, nội dung của “Tài liệu phục vụ sinh hoạt Chi bộ và các đoàn thể” phải mang tính thời sự, là những gì các đồng chí bí thư chi bộ cần nhất để phổ biến cho đảng viên trong sinh hoạt thường kỳ. Ví dụ kịp thời nêu gương những cá nhân, tổ chức có thành tích tốt, những mô hình, điển hình tiên tiến..., thông tin về tình hình an ninh trật tự, về những vi phạm để kịp thời giải quyết, xử lý. Cuốn “Tài liệu” giúp cho các Chi bộ, Tổ đảng cơ sở triển khai nhiệm vụ chính xác, đúng hướng.

Trước mỗi kỳ họp, chi ủy sẽ nghiên cứu kỹ nội dung, sau đó thống nhất những thông tin cần truyền đạt. Theo ông Ngô Tùng Lâm - Bí thư, trưởng thôn Tiêu Tương nhờ cuốn tài liệu mà việc sinh hoạt chi bộ trở nên thực chất hơn: “Nhờ cuốn Tài liệu mà các đảng viên nắm được thông tin cơ bản. Chi bộ không phải triển khai dài dòng mà tập trung vào nhiệm vụ cần làm”.

Những tài liệu về Đảng tưởng chừng như khô khan, khó nhớ nhưng đã được đội ngũ biên soạn biên tập công phu, khoa học. Nội dung và hình thức luôn được đổi mới, có nhiều thông tin nội bộ quan trọng, được cán bộ, đảng viên đánh giá cao.

Từ tài liệu này, chi bộ đã kịp thời thông tin các sự kiện quan trọng diễn ra trong xã, góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng cho đội ngũ đảng viên. Nhờ đó đã giúp mỗi đảng viên như ông Ngô Tùng Mậu nắm bắt kịp thời các thông tin ở địa phương.

“Cuốn Tài liệu chứa đựng tất cả nội dung trong một tháng, từ an ninh, kinh tế, quốc phòng...giúp đảng viên nắm được thông tin để có hướng triển khai những nhiệm vụ tháng tới” - ông Mậu chia sẻ.

Cung cấp “Đường dây nóng” là số điện thoại cá nhân

Ngoài việc đổi mới cách truyền tải thông tin và các chỉ đạo tới người dân địa phương, Bí thư Nguyễn Đức Tráng còn cung cấp công khai, rộng rãi “đường dây nóng” là số điện thoại cá nhân để kịp thời lắng nghe, nắm bắt những thông tin, phản ánh từ người dân.

Ông Tráng cho biết, toàn bộ người dân có gì phản ánh đều có thể gọi đến, kể cả những ý kiến về ý thức, thái độ của đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ thôn..."Tôi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tôi chọn số của Viettel vì số lượng người dùng ở địa phương đông nhất”, ông Tráng nói.

Từ khi công khai số điện thoại “đường dây nóng”, bí thư Nguyễn Đức Tráng tiếp nhận nhiều thông tin, phản ánh của người dân, từ đó có cơ hội giải thích các vấn đề người dân gặp phải, giải tỏa những băn khoăn khi người dân thiếu thông tin, nhận thức chưa đầy đủ.

“Tôi cho rằng nếu không nắm bắt thông tin, kịp thời giải quyết thì người dân sẽ bức xúc. Quan điểm của tôi là khi nhận được thông tin của người dân, dù đúng dù sai phải có sự phản hồi, tiếp cận giải quyết, thể hiện sự tôn trọng thì lần sau mới nhận được thông tin của người dân” - Bí thư Nguyễn Đức Tráng khẳng định.

Việc công khai số điện thoại cá nhân, rõ ràng thể hiện sự sâu sát với nhân dân, tiếp nhận những thông tin và kịp thời giải quyết những vấn đề thỏa đáng cho người dân. Tuy nhiên không ít lần bí thư Tráng gặp phải những rắc rối và phiền phức nhất định như những cuộc gọi quảng cáo, rao vặt, chào hàng...Thậm chí có cả những cuộc gọi đe dọa, lừa đảo. Nhưng ông vẫn lựa chọn hình thức này để tiếp cận nhanh nhất thông tin từ người dân địa phương.

“Với những cuộc gọi không thiện chí, thậm chí quấy rối, tôi sẽ ứng xử bằng quy định của pháp luật” - ông Tráng cho hay.

Bí thư Nguyễn Đức Tráng luôn trăn trở, làm sao tiếp cận được thông tin một cách dễ dàng và giải quyết một cách nhanh nhất cho người dân? Để đa dạng cách truyền tải thông tin, chủ trương, chính sách tới người dân xã mình, anh Tráng thành lập trang Fanpage “Hồng Dụ online”, trang Fanpage của các thôn như “Tiêu Tương online”, “Tam Tương online”, “Thượng Đồng online”...và các nhóm zalo “xóm văn minh”. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Đức Tráng, nhờ thông tin từ các trang online để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những bình luận mang tính chất xây dựng, góp ý, tuyên truyền định hướng dư luận.

Bí thư Tráng cho rằng, mạng xã hội có rất nhiều thông tin giúp tuyên truyền hiệu quả. Khi thông tin được update trên các trang mạng hàng ngày, người dân bất cứ lúc nào cũng mở ra xem được. Hiện địa phương đã xây dựng được một trang Fanpage của xã; 7 trang Fanpage của thôn và 59 nhóm zalo “xóm văn minh”.

“Chúng tôi nghĩ rằng các hoạt động giống như “Con thuyền trên 1 dòng sông”, bao giờ đi từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Nếu để chuyển động tự do thì cũng sẽ trôi xuống. Nếu có sự lãnh đạo định hướng thì đến đích nhanh hơn, hiệu quả hơn” - Bí thư Tráng khẳng định.

Ngoài sáng lập các trang facebook, zalo ở thôn, xóm, Bí thư Nguyễn Đức Tráng còn là Trưởng ban biên tập trên trang website thông tin của xã. Đây là những công cụ tuyên truyền không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, nhất là khi sáp nhập 2 xã Hồng Dụ và Hồng Thái làm một.

Người “nối” nhịp cầu đoàn kết

Bí thư Nguyễn Đức Tráng cho biết, việc sáp nhập 2 xã Hồng Dụ và Hồng Thái là một chủ trương lớn ở địa phương, nhằm cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cũng là một việc khó đòi hỏi sự quyết tâm của người đứng đầu, cán bộ đảng viên và nhân dân. Vào thời điểm sáp nhập, người dân có không ít tâm tư như phong tục tập quán giữa 2 xã, nét văn hóa trong lao động, sản xuất, sinh hoạt có những khác biệt; khi sáp nhập người dân ngại đi xa giao dịch khi có trụ sở mới. Với đội ngũ cán bộ công chức cũng rất tâm tư. Bởi khi 2 xã sáp nhập làm một thì số biên chế tăng gấp đôi dẫn đến dôi dư. Bí thư Nguyễn Đức Tráng khi đó đóng vai trò là người kết nối, giải thích, động viên tư tưởng cho nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình sáp nhập.

“Trước khi sáp nhập tôi là Bí thư Đảng ủy xã Hồng Dụ cũ. Trong việc sáp nhập, bản thân tôi là một trong những trường hợp dôi dư. Đồng chí Tráng có kế hoạch làm tư tưởng cho hàng ngũ cán bộ yên tâm. Nên khi có chủ trương tinh giản biên chế, bản thân tôi ủng hộ, nhất trí cao” – ông Vũ Đình Thẩm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hồng Dụ chia sẻ.

Sau khi xã mới được hình thành còn có khó khăn về việc kết nối liên thông giữa các thôn (cầu cống, đường sá...), ví dụ như thôn Tiêu và thôn Tương là hai khu dân cư tách biệt, sau khi sáp nhập thì cách nhau một cánh đồng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Tráng đã khảo sát thực tế, họp Đảng bộ và chi bộ thôn Tiêu Tương để đưa ra giải pháp xã hội hóa, vận động nhân dân xây dựng con đường có tên là đường “Đoàn Kết”, nối liền hai thôn khi sáp nhập để có sự kết nối.

Bí thư Nguyễn Đức Tráng luôn nhớ lời căn dặn khi địa phương được đón Bác Hồ về thăm ngày 15/2/1965. “Tôi nghĩ rằng mình là người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền địa phương. Bản thân phải gương mẫu để đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân đoàn kết, chung sức đồng lòng, thực hiện bằng được lời dạy của Bác Hồ “xây dựng địa phương trở thành một xã kiểu mẫu của tỉnh”.

“Đồng chí Nguyễn Đức Tráng là con người có năng lực, kinh nghiệm và nhiều sáng tạo, đổi mới trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, nhân dân xã Hồng Dụ và cá nhân đồng chí Nguyễn Đức Tráng đã đưa xã Hồng Dụ đạt được xã nông thôn mới nâng cao và nhiều tiêu chí đạt nông thôn kiểu mẫu” là những nhận xét của ông Phạm Văn Khảnh - Tỉnh ủy viên tỉnh Hải Dương, Bí thư huyện ủy huyện Ninh Giang thêm một lần khẳng định về những đóng góp, cống hiến của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Tráng cho quê hương Hồng Dụ, người cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, sẵn sàng “đổi mới”, “sáng tạo”, vì lợi ích của nhân dân.

Những chia sẻ ấn tượng của đồng chí bí thư xã Nguyễn Đức Tráng

# Đường dây nóng tôi công bố số điện thoại cá nhân để tiếp cận nhiều thông tin nhất từ người dân của địa phương.

# Khi nhận được thông tin của người dân, dù đúng dù sai phải có sự phản hồi, thể hiện sự tôn trọng, giải quyết kịp thời thì lần sau mới nhận được thông tin của người dân.

# Các hoạt động giống như “Con thuyền trên một dòng sông” đi từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Nếu để chuyển động tự do thì cũng sẽ trôi. Nhưng nếu có sự lãnh đạo định hướng thì đến đích nhanh hơn, hiệu quả hơn.