Nhà riêng bắt buộc phải có lối thoát: dân bảo khó

Ngôi nhà của chị T. ở quận Đống Đa, Hà Nội được xây 4 tầng với thiết kế hình ống, hẹp nhưng sâu hun hút. Tầng 3 và 4 là nơi sinh hoạt cho cả gia đình gồm 4 người. Còn 2 tầng dưới chị cho một cửa hàng rèm thuê với tầng 1 là nơi giao dịch khách hàng, tầng 2 làm nhà kho. Bước vào nhà, không gian chật chội, khắp nơi toàn vải là vải, chắn lối thoát hiểm duy nhất của cả nhà.

"Hỏa hoạn thì cũng sợ đấy, nhưng mình cứ nâng cao tinh thần cảnh giác thôi, điện đóm, thắp hương cẩn thận. Mình cũng nhắc khách thường xuyên. Hoàn cảnh nó thế biết làm thế nào. Hà Nội chật chội thế này, nhà có được lối thoát hiểm đâu phải dễ.", chị T. cho biết.

Nhà ống, nhà có “chuồng cọp” là loại hình kiến trúc nhà ở phổ biến ở thủ đô Hà Nội. Bà Kim Vân, một người dân ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng tâm lý “rào chắc, buộc chặt” của người dân đã vô tình khóa mất lối thoát nạn của gia đình khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Để thay đổi điều này không hề đơn giản.

Hiện nay, ở thủ đô Hà Nội có nhiều khu vực dân cư đông đúc, nhiều người thu nhập thấp, nhà ở cũng hết sức tạm bợ. Ngày ngày xoay vần với cuộc sống mưu sinh, họ không quan tâm và cũng không có khả năng tài chính để cải thiện môi trường sống.

Đừng mất bò mới lo làm chuồng

Theo KTS Nguyễn Việt Huy, chủ tịch Chi hội KTS của Trường ĐH Xây dựng, trực thuộc Hội kiến trúc sư Việt Nam, Luật PCCC ở nước ta đã có từ lâu. Sau nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm như vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết ở phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy; vụ cháy cửa hàng đồ sơ sinh ở phố Tôn Đức Thắng khiến gia đình 4 người tử vong hay nhiều vụ cháy nhỏ xảy ra ở những nhà xây xen,... thì quy định mới của Hà Nội ra đời là để cụ thể hóa Nghị định của chính phủ về vấn đề PCCC để đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân. Đây là chuyện cần phải làm.

"Tôi hoàn toàn đồng tình với việc phải siết chặt vấn đề PCCC. Đặc biệt đối với khối lượng rất lớn nhà ở xây xen hay người ta còn gọi là nhà chia lô dùng cho không chỉ ở mà dùng cho cả chức năng khác như thương mại dịch vụ kết hợp với ở, cần quy định chặt chẽ và thực hiện một cách nghiêm túc".

Cũng theo KTS Nguyễn Việt Huy, việc thực hiện Luật PCCC của Hà Nội nói riêng hay Việt Nam nói chung chưa thực sự nghiêm túc bởi chúng ta chưa có chế tài cụ thể hoặc các cơ quản lý về PCCC còn quá mỏng.

Hơn nữa, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân, đặc biệt là PCCC chưa thực sự cao bởi họ chưa gặp phải những vụ hoả hoạn hay hậu quả đáng tiếc gây ra. Nhiều người vẫn có tư tưởng “mất bò mới lo làm chuồng”.

"Người dân vẫn coi thường nhưng không cân nhắc tính toán hậu quả nếu mà nó xảy ra. Nó không khác gì việc chúng ta nên tham gia BHYT hoặc chúng ta nên thăm khám bệnh định kỳ thì chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều khi xảy ra bệnh rồi chúng ta phải bỏ ra khối lượng tiền lớn để chữa.", KTS Nguyễn Việt Huy nhấn mạnh.

Giải pháp cho những ngôi nhà không có lối thoát hiểm

Lâu nay, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ không bắt buộc áp dụng các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy, do đó, nếu xảy ra cháy nổ thường để lại hậu quả nặng nề. Việc áp dụng quy định mới về phòng cháy với nhà ở riêng lẻ của UBND Thành phố Hà Nội là thách thức, nhưng cũng không phải là không thể làm.

GS.TS. KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch kiến trúc đô thị của Trường ĐH Xây dựng cho biết để đảm bảo phòng cháy chữa cháy, nhà phải có phần thoáng, đặc biệt là nhà ống. Các yếu tố gây cháy không đươch để ở lối thoát. Các lối thoát phải làm thế nào khi xảy ra cháy mình phải chạy được ra chỗ an toàn. Nếu mình không thể thoát đường ban công, phải thoát đằng sau.

Phải làm thế nào các nhà có cách để kết nối với nhau. Các nhà hàng xóm phải có sự thoả thuận, cái này phải do chính quyền làm. Biện pháp tiếp theo là thoát ở 2 bên. Nếu nhà mình cao, nhà bên cạnh thấp mình có thể thoát sang mái nhà người ta. Một số nhà còn để cái dây rất lớn bố trí trên thượng để khi cần mình có thể xuống theo đường máng.

Tâm lý chung của người dân là quan tâm đến phòng chống trộm hơn là để ý đến các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Tuy nhiên, chúng ta phải có những giải pháp thiết kế để đáp ứng được cả hai yêu cầu đó. Theo KTS Nguyễn Việt Huy, thậm chí với những ngôi nhà quá cũ kĩ, không đảm bảo an toàn, chúng ta nên có biện pháp xử lý mạnh mẽ.

Nếu như chúng ta mạnh tay rà soát để chúng ta làm 1 lần dứt điểm. Chúng ta thực sự có những phân tích, đánh giá hiện trạng 1 cách khách quan để chúng ta có những giải pháp cụ thể. Đối với người dân, các giải pháp phù hợp về mặt an toàn thì người dân sẽ đồng tình.

Cần phân loại những trường hợp không thể đáp ứng được những yêu cầu theo quy định về PCCC. Phải có những giải pháp cụ thể đối với những nhà không đủ điều kiện để sinh sống bởi vì chúng ta cũng đang trên đà phát triển và chúng ta đang chuyển hướng từ một cuộc sống ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp thì chúng ta cũng phải chấp nhận xoá bỏ những cái gì nó là tồn tại nó là cũ kỹ và không đáp ứng được nhu cầu của thời cuộc, của con người, KTS Nguyễn Việt Huy nêu quan điểm.

Sử dụng điện quá công suất, chập cháy điện, hóa vàng, thắp hương... có vô số nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn và có thể xảy ra với bất kỳ gia đình nào nếu như lơ là, chủ quan. Bài học “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” chưa bao giờ là cũ trong việc PCCC.