Giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như đối với giáo dục mầm non ở các vùng sâu, vùng xa... Tuy nhiên, chính sách đi vào thực tế tại các địa phương vẫn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu. PV VOV2 đã có cuộc trò chuyện với bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nội dung này:

PV: Tính từ năm 1991, khi Việt Nam có khu công nghiệp đầu tiên, cho đến nay, cả nước không tỉnh nào là không có khu công nghiệp. Vậy còn nhà trẻ cho con em công nhân thì sao thưa bà?

Bà Đỗ Hồng Vân: Sự hình thành KCN, KCX bắt đầu từ năm 1991 đó là KCX Tân Thuận, thành phố Hồ Chí Minh. Trong 20 năm trở lại đây, cả nước có gần 400 KCN, KCX được thành lập trong đó có 284 KCN, KCX đã đi vào hoạt động và lao động đến làm việc ở KCN, KCX phần lớn là lao động di cư đến từ các địa phương khác nhau. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thì số hộ gia đình tại KCN, KCX hiện nay khoảng trên 2 triệu hộ với tổng số người lao động là trên 4 triệu. Con số này đặt ra rất nhiều thách thức cho cả người sử dụng lao động và người lao động cũng như chính quyền địa phương về vấn đề nhà ở, y tế và giáo dục.

Ở giai đoạn đầu hình thành thì chưa có quy hoạch tổng thể về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo đi kèm với các KCN, KCX và các địa phương còn gặp rất nhiều trở ngại trong việc đầu tư cho giáo dục mầm non như là thiếu quỹ đất cũng như vướng vào quy trình thủ tục để thành lập các trường mầm non.

Cho đến nay nhiều địa phương cũng đa dạng hóa hình thức chăm lo cho con công nhân lao động tại khu công nghiệp như vận động doanh nghiệp hỗ trợ chi phí gửi trẻ. Bên cạnh đó xuất hiện rất nhiều các mô hình nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân từ các nguồn kinh phí của doanh nghiệp địa phương, kể cả công đoàn điển hình như là Vĩnh Phúc, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh...

NHỮNG CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN CỦA NHÀ NƯỚC

  • Luật Lao động 2019 quy định Nhà nước có trách nhiệm xây nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân, nơi có nhiều lao động nữ không phân biệt công nhân lao động trong hay ngoài khu công nghiệp
  • Nghị định 105 ban hành năm 2020 còn quy định hỗ trợ tài chính cho loại hình này. Theo đó, các trường, nhóm lớp mầm non dân lập tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp nếu có tối thiểu 30% trẻ là con công nhân, người lao động thì được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần tối thiểu là 20 triệu đồng
  • Nghị định 145 quy định rõ, UBND cấp tỉnh có trác nhiệm bố trí, dành quỹ đất xây nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân, nơi có nhiều lao động trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương

PV: Từ năm 2019, 1 số chính sách đặc thù liên quan đến việc cải thiện điều kiện chăm lo, hỗ trợ giáo dục con công nhân đã được Chính phủ ban hành và triển khai như Luật Lao động 2019, Nghị định 105, Nghị định 145. Sau gẩn 3 năm, hiện đã có những chuyển biến nào từ các địa phương?

Bà Đỗ Hồng Vân: Chúng tôi thấy cũng đã có những chuyển biến tích cực từ các tỉnh có KCN, KCX đặc biệt là có sự vào cuộc, quan tâm của người lao động. Đặc biệt qua 2 năm thực hiện Nghị định 105, đến nay đã có 50 tỉnh, thành phố ban hành được Nghị quyết của HĐND. Do điều kiện kinh tế xã hội từng tỉnh khác nhau nên quyết định mức hỗ trợ cũng khác nhau. Một số địa phương đã tạo điều kiện mở rộng đối tượng hỗ trợ cho con công nhân lao động làm việc trong các cụm công nghiệp thay vì theo Nghị định thì chỉ ở các khu công nghiệp để giảm bớt khó khăn cho NLĐ, điển hình như tại Bắc Ninh, Đồng Nai…

Theo báo nhanh của các tỉnh, thành phố đến hết tháng 9/2022 đã triển khai hỗ trợ được 67.611 cháu; 1.856 giáo viên và 355 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn thấp (20%) với đối tượng được thụ hưởng.

Tại 10 KCN, KCX ở Hà Nội hiện vẫn chưa có cơ sở trông trẻ nào được xây dựng nhằm phục vụ gần 165.000 lao động, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Tp Hà Nội năm 2022.

Tương tự, cũng không có doanh nghiệp nào xây dựng hoặc hợp tác với trường mầm non để cung cấp dịch vụ gửi trẻ cho con em của hơn 87.000 công nhân ở 8 KCN tại tỉnh Hà Nam.

PV: Trong triển khai Nghị định 105 có những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến chính sách chưa được triển khai kịp thời, nguyên nhân nào là chủ yếu?

Bà Đỗ Hồng Vân: Do nghị định vừa mới ban hành thì dịch Covid-19 bùng phát cả nước phải thực hiện Chỉ thị 16, các nguồn lực chủ yếu tập trung cho công tác phòng chống dịch, các trường học phải đóng cửa trong thời gian dài nên cũng có một số tỉnh chậm triển khai, bên cạnh vẫn còn một vài đơn vị vai trò phối hợp của sở, ban ngành trong tham mưu UBND tỉnh xây dựng Tờ trình, nghị quyết trình HĐND chậm, tham mưu chưa tới nên dẫn đến chậm ban hành Nghị quyết của HĐND.

PV: Cần có những bước/biện pháp nào để thúc đẩy dịch vụ giáo dục mầm non ở những địa bàn có nhiều người lao động theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP? Những cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm thực hiện?

Bà Đỗ Hồng Vân: Trước hết cần làm rõ: vì sao người sử dụng lao động chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động? NSDLĐ khi xây dựng các công trình trên có được hưởng các ưu đãi theo quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường? Vấn đề thủ tục?

Vai trò của Chính phủ: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai Nghị định 145/2020 quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng trường mầm non phù hợp với điều kiện phát triển các KCN tại địa phương

- Kể từ khi Bộ Luật Lao động 2019 được ban hành, một số chính sách đặc thù dành riêng liên quan đến cải thiện điều kiện chăm lo, hỗ trợ, giáo dục con công nhân đã được Chính phủ ban hành và triển khai. Điều này là một động lực, một bước đột phá rất lớn về chính sách chăm lo cho con công nhân lao động của Nhà nước. Bởi trước khi bộ Luật Lao động 2019 được ban hành, chưa có một ưu tiên cụ thể hướng đến đối tượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là con công nhân làm việc tại các KCN. Bởi vậy, đề nghị Chính phủ cần có cơ chế giám sát đối với UBND các tỉnh trong việc thực hiện vai trò của UBND tỉnh tại tiết 1, Điều 81 Bộ Luật Lao động về tổ chức nhà trẻ mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu ban hành cơ chế vận hành các trường mầm non thuộc các KCN, KCX (quản lý và biên chế), chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc sớm triển khai thực hiện Đề án Xây dựng thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX.

- Đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá, tháo gỡ những bất cập (nếu có) khi NSDLĐ xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ.

Kinh nghiệm từ các địa phương thực hiện tốt, sáng tạo những quy định, chính sách về chính sách phát triển giáo dục mầm non…

Thứ nhất: Có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền trong việc tạo quỹ đất sạch để các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo tại địa phương.

Thứ hai: Vai trò đại diện của tổ chức công đoàn là không kém phần quan trọng trong thương lượng xây dựng thỏa ước lao động tập thể trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con công nhân

Thứ ba: Đối với doanh nghiệp luôn có sự quan tâm chăm lo cho người lao động, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động để người lao động yên tâm làm việc gắn bó lâu dài với doanh nghiệp

PV: Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thời gian qua đã có những giải pháp hay kiến nghị nào tới các ngành chức năng để bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động trong vấn đề này?

Bà Đỗ Hồng Vân: Trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã luôn quan tâm, trăn trở, tìm mọi giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện chính sách nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã:

- Kiến nghị để các KCN hình thành và phát triển sau này đều có quy hoạch dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo; bổ sung quỹ đất xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho các KCN đã hình thành.

- Chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện Chỉ thị 09/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở các KCN, KCX.

- Đẩy nhanh xây dựng vận hành các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX trong đó có Trường mẫu giáo dành cho con công nhân lao động.

- Kiến nghị để có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà trẻ mẫu giáo từ thiết chế công đoàn, cụ thể như: hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi…và các chính sách hỗ trợ khác.

Chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp vận động các doanh nghiệp xây dựng các nhà trẻ, mẫu giáo, hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con công nhân lao động, Điển hình như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang....

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!