"Tổn thương kép" trên truyền thông

Nhà báo Đinh Thị Thúy Hằng - nguyên giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội nhà báo Việt Nam) kể lại câu chuyện vài năm trước, trong buổi thực hành đưa đoàn phóng viên cùng chuyên gia báo chí Thụy Điển đến gặp gỡ những người nhiễm HIV. Ngay khi bước xuống xe, các nhà báo chỉ chăm chú chụp ảnh, say sưa tác nghiệp cho được việc.

“Khi trở lại lớp, chuyên gia báo chí Thụy Điển đã khóc. Bà nói rằng tại sao các nhà báo không hề xin phép nhân vật trước khi quay phim chụp ảnh…” - nhà báo Thúy Hằng nói - “Đôi khi nhà báo cũng không biết rằng chính chúng ta đang làm tổn thương người yếu thế thêm lần nữa”.

Người yếu thế trong xã hội là những đối tượng bị hạn chế một phần năng lực tự nhiên hoặc do yếu tố xã hội tác động, khiến họ bị đánh giá thấp hơn về địa vị trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Nhóm người yếu thế bao gồm: phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nhóm LGBT, lao động di cư, người nghèo, người tái hòa nhập cộng đồng…

Chia sẻ với 35 nhà báo tham dự chương trình tập huấn “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương” (17/5) tại Hội Nhà báo Việt Nam, chị Đào Thu Hương, cán bộ hoà nhập người khuyết tật của UNDP cho rằng, viết về người khuyết tật, các bài viết không nên quá thiên lệch về cảm thương, bi kịch hóa nhân vật. “Là người khuyết tật chúng tôi mong muốn báo chí đưa tin cân bằng hơn, không ủy mị cũng không tâng bốc thái quá, cần dựa vào nhu cầu và được sự đồng ý của người khuyết tật”.

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng về các nhóm dễ bị tổn thương nhằm bảo vệ, chống lại mọi sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều cơ quan báo chí chưa thể hiện sự quan tâm đầy đủ trong việc làm sáng tỏ các quan niệm sai lầm và xóa bỏ các định kiến xã hội về các nhóm thường hay bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Nhà báo Lê Quốc Trung - Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiệp vụ báo chí (Hội nhà báo Việt Nam) khẳng định, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho công chúng. "Việc đưa tin khách quan, chính xác sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương; góp phần chống phân biệt đối xử và làm giảm thành kiến của xã hội đối với họ, qua đó, thúc đẩy một xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn”.

Với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, nhà báo Đặng Thị Huệ (nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc VOV4, Đài Tiếng nói Việt Nam) đã cùng với các nhà báo “nhặt sạn” trong các tác phẩm viết về người yếu thế.

“Nhà báo rất dễ mắc lỗi không chủ đích gây tổn thương nhưng ngôn từ và góc tiếp cận lại vô tình làm tổn thương họ” - nhà báo Minh Huệ nói. Đó là đặt tít bài báo mang tính chất câu view; viết về cộng đồng LGBT thường khu biệt ở lĩnh vực giải trí, không đa dạng các ngành nghề khác…

Tiếp cận trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt

PGS. TS. Lê Lan Chi - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hệ thống lại các văn bản pháp luật bảo vệ quyền và nghĩa vụ của nhóm người yếu thế trong lãnh thổ nước ta.

“Chúng ta đã rất tích cực tham gia vào các công ước quốc tế và luật hóa trong các văn bản pháp luật” - bà Lan Chi nhấn mạnh đến Hiến pháp năm 2013, “những văn bản pháp luật ban hành sau Hiến pháp 2013 đã thể hiện rất rõ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đó là tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế”.

Trong bất kỳ quốc gia nào, việc bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương luôn đặt trong nhiều yếu tố khác, đó là văn hóa, quan niệm xã hội, kinh tế, đạo đức truyền thống... “Nhóm người bị tổn thương mới vẫn còn nhiều xung đột với truyền thống nên không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Điển hình như hôn nhân đồng tính, luật pháp nước ta đã không cấm nhưng chưa công nhận” - PGS.TS Lê Lan Chi nêu ra.

Theo bà Lan Chi, truyền thông đang đóng góp vào việc bảo vệ quyền, lợi ích cho người dễ bị tổn thương. Tuy nhiên hãy cẩn thận có thể mắc lỗi “tổn thương kép” .

“Tổn thương đến từ truyền thông đó là mô tả họ rất đáng thương, khổ sở, càng khắc sâu sự yếu đuối của họ hoặc là đổ lỗi cho nạn nhân” - chuyên gia luật pháp này nhấn mạnh, báo chí đưa tin cần tránh làm tổn thương thứ phát cho nạn nhân.

Các chuyên gia cho rằng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cần dựa trên nguyên tắc: tiếp cận dựa trên quyền con người; tôn trọng sự đa dạng, loại bỏ định kiến, kỳ thị; đa chiều và khách quan trong đưa tin; tuân thủ nguyên tắc đạo đức.

Khóa bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên về các vấn đề liên quan đến các nhóm người dễ bị phân biệt đối xử hoặc có xu hướng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Từ đó, cải thiện chất lượng nội dung truyền thông, thực hiện các sản phẩm báo chí đảm bảo về quy định pháp lý, đạo đức nghề nghiệp, tính nhân văn và quyền lợi của các nhóm người dễ bị tổn thương.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và UNDP, hai bên sẽ xuất bản cuốn sổ tay cẩm nang đưa tin về nhóm người dễ bị tổn thương./.