Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, phần máu thịt được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông”.

Trường Sa được giải phóng ngày 29/4/1975 trước một ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Thế nhưng, bao năm qua biển vẫn đầy bão giông, thử thách lòng can trường của bao thế hệ quyết giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Vậy nên mỗi chuyến công tác đưa các lực lượng từ đất liền đến với Trường Sa, lực lượng Hải quân luôn tổ chức Lễ tưởng niệm những người anh hùng đã để lại máu xương giữa mênh mông biển cả.

Nghe chương trình tại đây:

Lễ tưởng niệm trên biển

Buổi sáng trên vùng biển đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, mặt trời như dậy sớm. Từ 5h sáng nắng đã len qua mây, rọi xuống biển. Nơi đây, 34 năm về trước, vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã diễn ra trận chiến đấu anh dũng, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chống lại hành động tấn công trắng trợn và phi lý của các lực lượng tàu chiến Hải quân nước ngoài.

Hơn 200 người trong đoàn công tác số 4 ra thăm quân, dân trên quần đảo Trường Sa đứng thành hàng trước ban thờ và vòng hoa. Xung quanh là biển cả mênh mông, chỉ có nắng, có gió, có mùi hương thơm vấn vương trong không gian với vị mặn mòi của biển cả. Ai cũng biết rằng, trong từng hạt cát, giọt nước trên biển đang sóng sánh ánh bạc kia, đều có một phần máu thịt của cha anh.

Với mưu đồ “thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông”, ngày 14 tháng 3 năm 1988, nước ngoài đã đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại ngang nhiên tấn công đánh chiếm một số bãi đá ngầm của ta. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, kiềm chế đến mức tối đa, tránh sự khiêu khích, đối đầu, giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng, không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên biển, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

“Đối diện với tình huống đầy hiểm nguy, bất cứ lúc nào cũng có thể ngã xuống trước họng súng của quân thù, song, các anh đã không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường chiến đấu quyết bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Trong tay những người lính Hải quân Việt Nam năm ấy chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh. Họ vẫn hiên ngang và bền bỉ chiến đấu với lực lượng tàu chiến của đối phương có vũ khí trang thiết bị hiện đại” - Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân nhắc lại trong lễ tưởng niệm.

Trong trận chiến đấu đó, đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là cán bộ, chiến sĩ Tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, là những tập thể đã chiến đấu anh dũng, kiên cường với tinh thần chủ quyền Tổ quốc là bất khả xâm phạm, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết chiến đấu và chấp nhận hy sinh.

64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong sự kiện ngày 14 tháng 3 năm ấy. Lật lại trang sử hào hùng và bi thương, ai cũng thêm một lần biết ơn và trân trọng cuộc sống hòa bình, độc lập ngày hôm nay. Từng bông hoa, từng cánh hạc giấy thả xuống biển xanh, thêm một lần cảm ơn các anh - như lời bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

“Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình nơi sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình!”

Tinh thần đó vẫn như cánh hạc bay, nhắc nhở bao thế hệ về tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo. Mong anh linh các Anh hùng, liệt sỹ tiếp tục phù độ cho Tổ quốc, cho dân tộc ta mãi mãi trường tồn, cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi giữ yên biển, đảo quê hương, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.